1. Trang chủ /
  2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm

thứ sáu, 12/4/2024 20:52 GMT+07
Ngày 11/4, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã dự và phát biểu tại Diễn đàn hợp tác xã quốc gia năm 2024 với chủ đề: “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: VGP). Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: VGP).

Đã xuất hiện những mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình tiên tiến

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Đến nay, cơ sở chính trị, pháp lý để phát triển KTTT, HTX đã tương đối đầy đủ và đã xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phần KTTT, HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và trong cơ cấu nền kinh tế của đất nước.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong phát triển KTTT, HTX, việc liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình kinh tế đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách và có nhiều chỉ đạo về liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực phối hợp tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Kết quả đến nay, liên kết giữa các thành viên trong tổ chức KTTT, HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu đã có sự phát triển. Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX). Tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hà Nam, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang... đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Xây dựng, phát triển và bảo vệ uy tín của chuỗi liên kết

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức kinh tế hợp tác, các đối tác tham gia liên kết cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các quy định của Luật HTX năm 2023 và các chính sách, pháp luật liên quan...

Về liên kết phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTT, HTX; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ khu vực KTTT, HTX, liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm yêu cầu tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực hiện từng giai đoạn. UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo, triển khai các cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho phát triển KTTT, HTX tại địa phương. Chủ động bố trí, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án liên quan để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các HTX, các doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo hướng công khai, minh bạch, nhận thức rõ và thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia chuỗi liên kết. Các tổ chức chính trị - xã hội và các hội, hiệp hội ngành hàng tăng cường thông tin, tuyên truyền, tư vấn, vận động và hỗ trợ các thành viên, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và thực hiện đúng hợp đồng liên kết; xây dựng, phát triển và bảo vệ uy tín của chuỗi liên kết...

Trong lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng và phát triển được 1.449 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, với sự tham gia của 2.204 HTX, 1.091 doanh nghiệp, 517 tổ hợp tác và hơn 186.000 hộ nông dân.