Hoàn thiện khung pháp luật về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Để không bỏ sót tài năng văn hóa, nghệ thuật
Theo đó, đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn vẫn được xét tặng lâu nay sẽ mở ra cơ hội được phong tặng cho nhiều cá nhân hoạt động nghệ thuật hơn.
Trò áy náy vì thầy không được vinh danh
Còn nhớ, tháng 10/2021, tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nêu một thực tế đã và đang diễn ra khi đóng góp ý kiến về vấn đề đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong dự án luật.
Theo bà Trần Thị Thu Đông, những người yêu văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu ca vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương đều biết về soạn giả Viễn Châu là người có công lao to lớn sáng tạo ra thể loại tân cổ giao duyên từ những năm 1960, là người thầy phát hiện và đào tạo NSND Lệ Thủy khi bà mới 13 tuổi. Thế nhưng, danh hiệu cao quí NSND (trước đó là danh hiệu NSƯT) không phải được trao cho soạn giả Viễn Châu - một nghệ sĩ sáng tác, mà là được xét trao cho nghệ nhân đàn tranh Bảy Bá (tên gọi khác của ông) - một nghệ sĩ biểu diễn. Thời gian qua đã có một số nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đó là những nghệ sĩ biểu diễn, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên, khi được tặng những danh hiệu cao quý này của Nhà nước, một số nghệ sĩ cảm thấy rất áy náy, niềm vui không trọn vẹn, theo bà Trần Thị Thu Đông.
“Đó là vì sao các bậc thầy của mình, các nghệ sĩ sáng tác lớn như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản Dạ cổ Hoài Lang, tiền thân của bài ca vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương; soạn giả Yên Lang, soạn giả Trọng Nguyễn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển… với những tác phẩm làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Trong khi những vở cải lương do các thầy soạn ra, các học trò của ông biểu diễn đã đoạt nhiều huy chương - điều kiện quan trọng làm cơ sở để được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”, Đại biểu Quốc hội đoàn Bạc Liêu phát biểu tại phiên thảo luận.
Từ đó, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông kiến nghị giữ nguyên đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định, tránh chồng chéo, bất cập dẫn đến việc có sự so sánh, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ, cũng như tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ.
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) năm 2022. Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Tại khoản 1 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định danh hiệu “NSND”, “NSƯT” để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên; người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng trên do Chính phủ quy định. Như vậy, so với hiện hành đã bổ sung đối tượng là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác do Chính phủ quy định.
Không bỏ sót tài năng
Đó là quyết tâm của Ban soạn thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong tiến trình xây dựng nghị định để chuẩn bị cho thời điểm Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Mới đây, tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy, Trưởng ban soạn thảo cho biết Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nội dung thay đổi căn bản về đối tượng xét tặng, bổ sung “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”. Một số quy định về tiêu chuẩn xét tặng cũng thay đổi, vì vậy, Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng cần xây dựng những quy định mới, phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; bổ sung và hoàn thiện những quy định hiện hành quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý, để đảm bảo sự chính xác, khách quan, minh bạch thì điều đầu tiên là cần làm rõ về cách tiếp cận, tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng với những người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, làm căn cứ để triển khai trong thực tiễn. “Thực tế có nhiều nghệ sĩ, nhất là tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội. Nhiều nghệ sĩ tài năng hoạt động tự do khá đông. Vì vậy, quy định, tiêu chí cần mang tính bao trùm, tránh bỏ sót”, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.
Dự thảo Nghị định, ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương 19 điều gồm các quy định về đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật và thời gian hoạt động sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của các đối tượng xét tặng danh hiệu; nguyên tắc xét tặng, thẩm quyền tổ chức xét tặng; tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian, và đối tượng đặc thù… Được biết, với nội dung đáng chú ý là bổ sung thêm đối tượng mới “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” và xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ trong xét tặng danh hiệu đối với đối tượng này trong dự thảo Nghị định, Bộ VH,TT&DL đã có công văn xin ý kiến với các đơn vị chức năng, các hội chuyên ngành. Cơ quan thường trực Ban soạn thảo Nghị định là Vụ Tổ chức cán bộ đã tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến Ban soạn thảo trước khi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL để xin ý kiến rộng rãi theo quy định.
Về quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, đối với danh hiệu NSND, ngoài những quy định chung, còn phải tiếp tục đạt tiêu chuẩn: với cá nhân hoạt động nghệ thuật, phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng là của cá nhân) hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia (nếu không có giải vàng của cá nhân) và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật, thiếu giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích và đón nhận, có 2 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải vàng quốc gia.
Đối với danh hiệu NSƯT, ngoài những quy định chung còn phải đạt tiêu chuẩn: cá nhân hoạt động nghệ thuật, phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân) hoặc có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân) hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia (nếu không có giải vàng cá nhân) và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật, thiếu giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích và đón nhận, có 2 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải vàng quốc gia...
Về đối tượng mới tại dự thảo Nghị định là cá nhân sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, NSƯT Trần Ly Ly - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH,TT&DL nêu ý kiến với đối tượng tác giả kịch bản múa cần cân nhắc, bởi thực tế có tác giả sáng tạo kịch bản múa nhưng không áp dụng được trên thực tế. Vì vậy, đối tượng này cần được quy định vừa sáng tạo kịch bản vừa đạo diễn trực tiếp trên sản phẩm nghệ thuật đó. Đồng thời, bà Ly Ly cũng không đồng thuận quy định nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh là đối tượng tác giả sáng tạo tác phẩm ở lĩnh vực nhiếp ảnh, bởi đây không phải là nghệ sĩ sáng tác.