Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Dự án nhà máy may sau 7 năm vẫn là bãi đất trống
Sau 7 năm triển khai, dự án nhà máy may xuất khẩu Thịnh Vượng vẫn còn là bãi đất trống.
7 năm bỏ hoang
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, với mục tiêu đầu tư gia công hàng may mặc xuất khẩu nhằm mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho một số bộ phận lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngày 06/10/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3903/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy may xuất khẩu Thịnh Vượng tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa.
Dự án Nhà máy may xuất khẩu Thịnh Vượng tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa có quy mô xây dựng: Xây dựng 02 xưởng sản xuất, nhà trưng bày sản phẩm, nhà điều hành, nhà ăn ca và các công trình phụ trợ khác, công xuất nhà máy 3 triệu sản phẩm/năm, sử dụng khoảng 3.000 lao động. Diện tích thực hiện dự án khoảng 50.000m2. Tổng mức đầu tư khoảng 165 tỷ động. Dự kiến quý III/2016 sẽ hoàn thành và đưa vào kinh doanh.
Tiếp đến, ngày 12/7/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2506/QĐ-UBND về việc thu hồi đất do UBND xã Hoằng Đạo quản lý; cho Công ty Cổ phần may Thịnh Vượng chuyển mục đích sử dụng đất và thuê đất thực hiện dự án Nhà máy may xuất khẩu Thịnh Vượng tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa. Theo đó, cho Công ty Cổ phần May Thịnh Vượng thuê 39.040m2 đất để thực hiện dự án Nhà máy may xuất khẩu Thịnh Vượng tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa. Hình thức thuê đất Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Với thời hạn thuê đất 50 năm, kể từ ngày ký Quyết định. Theo quan sát của phóng viên, sau 7 năm triển khai dự án, chủ đầu tư mới chỉ san lấp một phần nhỏ diện tích đã được thuê và bỏ hoang nhiều năm qua.
Anh Tuấn một người dân xã Hoằng Đạo bức xúc cho biết: Nhà nước cho thuê đất mà công ty họ không xây dựng nhà máy thì lãng phí quá, người dân thì không có đất để sản xuất trong khi đó đất lại bỏ không, để cỏ mọc um tùm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hoàng Đình Hợp - Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo cho biết: Việc Công ty Thịnh Vượng được tỉnh cho thuê đất từ năm 2016 đến nay không xây dựng nhà máy đã được người dân, cử tri nhiều lần ý kiến với xã, huyện đề nghị thu hồi và giao cho đơn vị khác. “Đất bỏ không như vậy đúng là có lãng phí, làm chậm sự phát triển của địa phương”, ông Hợp cho biết thêm.
Cán bộ rơi vào lao lý
Ngày 11/3/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cao Bùi Ngọc Châu, nguyên là Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc; Trương Thanh Thụ, nguyên là cán bộ địa chính và Nguyễn Thị Hà là trưởng thôn 9, xã Hoằng Ngọc huyện Hoằng Hóa về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, năm 2015 Công ty Cổ phần May Thịnh Vượng được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho xây dựng nhà máy may tại khu vực xen canh xã Hoằng Đạo và Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) với tổng diện tích 45.789m2. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty Cổ phần May Thịnh Vượng đã thông qua UBND xã Hoằng Ngọc tiến hành thỏa thuận đền bù cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Trong đó, có 6 hộ tại thôn 9, xã Hoằng Ngọc có đất nằm trong quyết định thu hồi của UBND tỉnh Thanh Hóa với diện tích 3.800m2, nhưng do trước năm 1988 và giai đoạn 1989 -1992 các hộ này còn nợ các khoản tiền sản, tiền trâu bò... nên bị tạm giữ đất không được Công ty Cổ phần May Thịnh Vượng thỏa thuận và chi tiền đền bù. Theo quy định của pháp luật, 6 hộ dân có đất mà thôn 9 và xã tạm giữ là người dân quản lý và sử dụng hợp pháp, khi Nhà nước thu hồi diện tích đất này thì được nhận tiền bồi thường về đất.
Tuy nhiên, Bùi Ngọc Châu với cương vị là Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi trái công vụ. Ông Châu đã chỉ đạo cho bà Hà tổ chức họp Chi bộ, chỉ đạo ông Thụ phối hợp với bà Hà thiết lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng, tự chia diện tích cho 5 hộ, lập danh sách đề nghị xác nhận các chủ sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký văn bản để xác nhận khống cho 5 hộ không có đất, nhằm mục đích lấy tiền trên 442 triệu đồng của Công ty Cổ phần May Thịnh Vượng đền bù.
Hành vi phạm tội nêu trên của các bị cáo Bùi Ngọc Châu, Trương Thanh Thụ và Nguyễn Thị Hà đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn và làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của người dân đến cơ quan Nhà nước gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, các cá nhân trên đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Tại phiên tòa, Căn cứ vào bản cáo trạng, chứng cứ và lời khai tại tòa, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Bùi Ngọc Châu 3 năm tù giam, Trương Thanh Thụ 2 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Thị Hà 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.