Hoàng Mai (Hà Nội): Nhức nhối vấn nạn đổ rác thải xây dựng trên địa bàn phường Yên Sở
Theo đó, tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng trên địa bàn phường Yên Sở trong thời gian qua đang có xu hướng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mặc dù nằm trong khu vực nội đô, trên đường Vành đai 3 - tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô, khu đất nông nghiệp rộng hàng nghìn m2 phía sau Công ty Chế tạo kim loại Hòa Phát, đoạn mương đối diện tòa nhà Hateco Hoàng Mai đang trở thành địa điểm “lý tưởng” của nhiều đối tượng đổ trộm phế thải xây dựng.
Theo ông T. (người dân sinh sống trên địa bàn phường Yên Sở), các loại rác thải, đất thải, phế thải xây dựng tập kết ở đây đủ cả, thường được các đối tượng đổ trộm vào buổi tối muộn hoặc đêm. Đất, trạc, phế thải bỏ đi từ quá trình thi công nhà cửa được những người này đổ lởm chởm ngay mặt đường, thậm chí còn tràn cả xuống mương nước cạnh đó. Vấn đề này đã tồn tại một thời gian nhưng chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm khiến nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này rất bức xúc.
Ngay lối vào khu đất, phế thải đã được đổ ra 2 bên đường trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Ghi nhận tại thực tế của PV cho thấy, hành vi đổ phế thải trải dài trên đoạn đường khoảng 200m. Ở trong khu đất nông nghiệp, đất công thuộc phường Yên Sở quản lý, rác thải xây dựng chất cao thành đống. Điều đáng nói, đống phế thải này cứ lấn dần vào lòng mương, mỗi khi gặp trận mưa to là các loại đất, đá, gạch vụn chảy xuống lòng mương, gây cản trở dòng chảy... khiến nước mương ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân, nhất là thời điểm trong mùa nắng nóng.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000kg. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000kg đến dưới 2.000kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000kg đến dưới 3.000kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng...
Rác thải, phế thải, đất, trạc chất cao thành đống trong khu đất.
Quy định là vậy, tuy nhiên mức xử phạt như trên dường như vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng đổ trộm rác thải xây dựng. Dẫn đến tình trạng hàng tấn đất, trạc, phế thải tập kết về đây mỗi ngày.
Rác thải, phế thải xây dựng trực chờ đổ xuống mương nước, gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy.
Trước tình trạng nhức nhối nêu trên, đề nghị Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Công an quận Hoàng Mai chỉ đạo UBND phường, Công an phường Yên Sở và các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các đối tượng và phương tiện thực hiện hành vi đổ đất, trạc, san gạt trái phép, đồng thời có biện pháp phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn phát sinh vi phạm.