1. Trang chủ /
  2. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10: Linh hoạt giảng dạy

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10: Linh hoạt giảng dạy

thứ bảy, 10/9/2022 08:54 GMT+07
(PLM) - Ở năm đầu tiên triển khai đối với lớp 10, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có nhiều điểm mới. Mỗi nhà trường và giáo viên dù có những băn khoăn, bỡ ngỡ đã có những tìm hiểu, chuẩn bị và cùng nhau xây dựng, thực hiện kế hoạch giảng dạy sao cho bám sát với tinh thần của hoạt động này.

Hiểu rõ, nắm bắt được chương trình

Theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện. Với thời lượng 105 tiết/năm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 không phải là một môn học, dù có đủ sách giáo khoa (SGK), sách giáo viên, sách tham khảo và đi dạy giáo viên cũng phải có giáo án.

Bà Trần Thanh Thúy (Trường THPT Nghĩa Dân, Hưng Yên) cho biết, lần đầu tiên được phân công dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10, bà đã có sự chuẩn bị kỹ từ việc tìm hiểu chương trình tổng thể, chương trình của hoạt động giáo dục cấp phổ thông và tham khảo các lớp 1, 2 và 6 đã triển khai từ các năm trước. Trước đó, bà đã tham gia dạy thử nghiệm Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với chủ đề 2: Bàn luận về quan điểm sống (Thời lượng 4 tiết) với sự góp ý trực tiếp của nhóm tác giả viết sách, các chuyên gia trong lĩnh vực này nên có thêm những hiểu biết về hoạt động này.

“Đây là một hoạt động giáo dục mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực giúp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, cách sống, rèn luyện phẩm chất, tính cách cho thế hệ tương lai. Học sinh (HS) rất thích thú khi được học những bài học gần gũi, gắn liền với thực tiễn cuộc sống và giúp các em hiểu chính mình hơn” - bà Thúy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho việc dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường đã phân công cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn từ trước đó. Các thầy cô đều đã hoàn thành kỳ kiểm tra, đánh giá trước khi giảng dạy. Dù đây là hoạt động giáo dục mới so với chương trình hiện hành song trước đó, hàng năm nhà trường đều thực hiện tư vấn, hướng nghiệp cho HS nên các thầy cô cũng không quá lạ lẫm, bỡ ngỡ. Các thầy cô đã cùng trao đổi, xây dựng các tiết học phù hợp với HS của nhà trường có đặc thù là ở nông thôn, nhiều em còn nhút nhát, chưa tự tin, chưa có nhiều thông tin cũng như định hướng rõ về việc sau khi tốt nghiệp THPT sẽ theo con đường nào…

Vận dụng vào thực tiễn cuộc sống

Tiến sĩ Lưu Thu Thủy - Tổng chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, về nội dung sách tích hợp một số hoạt động theo chủ đề của đoàn thanh niên cùng nội dung của một số môn học có liên quan ở cấp THPT. Hoạt động này coi trọng việc phát triển phẩm chất năng lực, đặc biệt là năng lực đặc thù của hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp gồm thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.

“Với tính mở và linh hoạt, nhà trường có thể chủ động sắp xếp thứ tự thực hiện các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng như chủ động sắp xếp, bố trí thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục theo chủ đề khi xây dựng kế hoạch năm học. Giáo viên có thể linh hoạt, sáng tạo điều chỉnh nội dung, hình thức các hoạt động, thậm chí có thể thay thế, bổ sung hoạt động sao cho phù hợp với yêu cầu giáo dục, với phông văn hóa vùng miền, trình độ, năng lực sở trường của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị của nhà trường” - bà Thủy nhấn mạnh.

Cụ thể, trong quá trình thiết kế và tổ chức hoạt động, giáo viên cần chú ý tổ chức theo phương thức trải nghiệm trong đó chú trọng việc khai thác kinh nghiệm đã có của HS, tổ chức cho HS học qua làm, thực hành. Đồng thời, yêu cầu hướng dẫn HS thực hành, vận dụng những kinh nghiệm mới vào thực tiễn cuộc sống.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng (ĐH Sư phạm Hà Nội)- nhóm tác giả SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10, bộ Cánh diều, trước hết các thầy cô giáo cần nắm bắt được cốt lõi của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trên cơ sở đó ban lãnh đạo nhà trường và các thầy cô cùng nhau xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp bám sát với tinh thần của hoạt động này, tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với thực tế địa phương, đặc biệt là phù hợp với phương hướng giáo dục của nhà trường.

Khi áp dụng SGK vào giảng dạy, từng bộ sách có cách sắp xếp khác nhau, thầy cô phải hiểu được tư tưởng thiết kế SGK và phân bổ được các chủ đề hợp lý với kế hoạch giáo dục nhà trường. Phân tích được yêu cầu cần đạt của chương trình và từng chủ đề.

“Để có một tiết học thành công, giáo viên cần có sự chuẩn bị kĩ trước khi tổ chức hoạt động. Luôn linh hoạt, sáng tạo, cởi mở trong việc tổ chức và chuyển dần vai trò tổ chức hoạt động cho HS” - bà Hồng nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, với không chỉ hoạt động này mà mọi môn học, nhất là những môn học mới, thầy cô bắt buộc phải có sự chuẩn bị chu đáo để làm chủ chương trình, làm chủ phương pháp trên cơ sở đó mới giúp học trò năng động, sáng tạo. “Để thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho HS, thầy cô cần phải thay đổi, cần có nhiều trải nghiệm cho chính mình” - ông Lâm bày tỏ và cho rằng, hoạt động này hiện chưa có phương án kiểm tra, đánh giá phù hợp nên một số chuyên gia lo ngại một số giáo viên, HS sẽ thờ ơ.

“Không thể bỏ trống khâu kiểm tra, đánh giá Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trong nhà trường như hiện nay” - ông Lâm nêu quan điểm.