1. Trang chủ /
  2. Học 'bùng nợ' theo các nhóm trên mạng xã hội, con nợ có khả năng lĩnh án tù

Học 'bùng nợ' theo các nhóm trên mạng xã hội, con nợ có khả năng lĩnh án tù

thứ ba, 4/4/2023 20:02 GMT+07
Trong thời gian gần đây, các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm vay tiền rồi "bùng nợ" xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, những người đang học "bùng nợ" không biết những hệ lụy nghiêm trọng họ sắp đối mặt.
Xuất hiện nhiều hội nhóm dạy bùng nợ trên Facebook Xuất hiện nhiều hội nhóm dạy bùng nợ trên Facebook

Từ vay nợ cho tới trốn nợ 

Đây không phải lần đầu tiên các nhóm dạy nhau bùng tiền xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên sau vụ việc lực lượng chức năng triệt phá ổ nhóm đòi nợ thuê của Công ty Luật TNHH Pháp Việt và kiểm tra hàng loạt các công ty tài chính, hàng loạt nhóm dạy bùng tiền bắt đầu xuất hiện tràn lan.

Trên nền tảng Facebook, các nhóm hướng dẫn cách bùng tiền có số lượng thành viên rất lớn, từ khoảng 40 ngàn cho đến hơn 100 ngàn thành viên. Nội dung đăng tải trong các nhóm này chủ yếu là kinh nghiệm trốn nợ, “bùng tiền”, thậm chí là dạy nhau cách làm giả các giấy tờ, tạo Facebook giả, tạo danh bạ giả để tránh bị đòi tiền.

Một trong những hội nhóm nổi bật có thể nhắc đến như: Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó; Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó; Hội bùng app vay tiền online; Hội bùng app vay tiền và cách đối phó 2023; Chuyên tư vấn Bùng nợ - xóa nợ xấu…

hoc bung no theo cac nhom tren mang xa hoi con no co kha nang linh an tu hinh 1
Xuất hiện nhiều hội nhóm dạy bùng nợ trên Facebook

Các hội nhóm này hoạt động mạnh mẽ đến mức, một loại dịch vụ mới theo đó cũng được sinh ra đó là “dịch vụ tư vấn trốn nợ”. Theo quảng cáo, các đối tượng có thể cung cấp cho con nợ một bộ lý lịch "sạch sẽ" để thực hiện một phi vụ vay tiền rồi bùng nợ. Đến khi phải bỏ trốn, các đối tượng còn bán thêm cả dịch vụ gọi điện trấn an người thân con nợ.

Trong thời gian đầu, các đối tượng chỉ hướng dẫn cách vay tiền bùng nợ qua các ứng dụng vay tiền online bởi khả năng giải ngân dễ dàng. Với một số ứng dụng, người dùng chỉ cần chụp giấy tờ tùy thân, cho phép ứng dụng truy cập danh bạ và cung cấp địa chỉ cá nhân của mạng xã hội như Facebook, Zalo là có thể vay được tiền.

Tuy nhiên, việc vay tiền qua các ứng dụng online thường đi kèm nhiều rủi ro như dễ bị “khủng bố” điện thoại, bị cắt ghép hình ảnh để đăng tải đòi nợ trên mạng xã hội, người thân hoặc có số trong danh bạ cũng liên tục bị gọi điện làm phiền. Mặc dù lãi cho vay qua ứng dụng có thể lên tới 1.000%/năm nhưng nhiều người do cần tiền vẫn nhắm mắt đăng ký vay. Đến khi không còn khả năng chi trả mới bắt đầu tìm hiểu cách bùng nợ trong các hội nhóm trên mạng xã hội.

Sau khi việc vay tiền qua ứng dụng đã bão hòa, nhiều người không còn khả năng được giải ngân, một số đối tượng đã chuyển qua các gói tư vấn “bùng tiền” của các công ty tài chính đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đã sai lại càng sai

Với lãi xuất không tưởng của các ứng dụng vay tiền, hầu hết người vay đều không có đủ khả năng trả nợ đến cùng nên đã tìm kiếm cách để bùng nợ như một giải pháp cứu cánh. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều hội nhóm chia sẻ cách bùng nợ xuất hiện trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi tham gia các hội nhóm này, nhiều người đôi khi không biết mình lại rơi vào bẫy đăng ký các ứng dụng vay tiền online được chia sẻ với suy nghĩ vay dễ mà không cần trả. Đó lại là một cách marketing cho ứng dụng vay tiền một cách hiệu quả, đánh đúng đối tượng có nhu cầu. Chỉ đến khi bị lộ thông tin, bị bêu xấu, làm nhục trên mạng xã hội, nhiều người mới nhận ra hệ lụy từ việc vay tiền bùng nợ của mình.

hoc bung no theo cac nhom tren mang xa hoi con no co kha nang linh an tu hinh 2
Các kênh chia sẻ kinh nghiệm bùng tiền trên Tiktok cũng hoạt động mạnh không kém

Chưa kể, việc tham gia bùng nợ theo hướng dẫn của các đối tượng trên hội nhóm, đặc biệt là bùng nợ của các công ty tài chính hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, người vay tiền có thể phải đối mặt với việc phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, trường hợp vay tiền sau đó gian dối, bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên hoặc vay tiền sau đó sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả nợ như mang tiền đi đánh bạc, buôn lậu hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Nếu trường hợp đưa ra thông tin gian dối để vay tiền, sau đó chiếm đoạt, không có ý định trả tiền thì với số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, người vay tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.