1. Trang chủ /
  2. Học làm cha mẹ

Học làm cha mẹ

thứ hai, 3/10/2022 14:43 GMT+07
Vai trò của cha, mẹ, gia đình hết sức quan trọng là yếu tố quyết định trong việc nuôi dạy trẻ thành công và có ích cho xã hội. Nhưng làm cha mẹ như nào để trẻ được phát triển toàn diện?

Vì sự phát triển toàn diện của trẻ

Trao đổi với truyền thông, chị Thanh Tâm (42 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết chị đau đầu khi hai con bước vào tuổi dậy thì. Chị mua sách, cho con tham gia các khóa học về tuổi teen từ sớm, đồng thời bản thân cũng đọc sách, tìm hiểu qua mạng, tham gia các khóa học ngắn hạn để dạy con sao cho đúng. Qua các lớp học để đồng hành cùng con tuổi dậy thì, chị phát hiện rất nhiều bậc cha mẹ cũng rơi vào tình cảnh giống chị - đau đầu vì con cái. Cha mẹ nào cũng có sẵn bản năng nuôi dạy con, chính là sự yêu thương, dạy con nền nếp, đạo đức, lễ nghĩa ứng xử theo khuôn mẫu xã hội bấy lâu. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có đặc điểm tính cách riêng và giai đoạn khác nhau, cha mẹ cần áp dụng cách dạy khác nhau. Với chị Thanh Tâm, trước đây, chị chủ yếu cho con đọc sách, tham gia các khóa học. Hiện tại, chị đã ý thức hơn việc cần phải nói chuyện, chia sẻ với các con nhiều hơn.

Trong chương trình “Cha mẹ thay đổi” phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, chị Nguyễn Thị Liên ở Hưng Yên thừa nhận mình đã mắc sai lầm trong cách nuôi dạy con. Muốn con có tính tự lập, chị chỉ biết ép con mình phải làm việc giúp đỡ bố mẹ. Cậu bé cũng không được bố mẹ nói những lời yêu thương. Khi người con cảm thấy buồn tủi, tức giận, người mẹ chỉ biết bỏ đi. Không được ai an ủi, cậu bé một mình trong góc tối và tự đánh mình, không biết chống đỡ làm sao với những cảm xúc uất ức. Tham gia chương trình, chị Liên đã dũng cảm nhìn vào điểm yếu của mình trong việc nuôi dạy con để khắc phục.

Từ những câu chuyện trên có thể thấy, vai trò của cha, mẹ, của gia đình hết sức quan trọng, là yếu tố quyết định trong việc nuôi dạy trẻ thành công và có ích cho xã hội. Đặc biệt, phát triển toàn diện trong những tháng, năm đầu đời có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển trong cả cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Sự chăm sóc, giáo dục, bảo vệ một cách khoa học trong mỗi giai đoạn bào thai, đến 1 tuổi, đến 5 tuổi và đến 8 tuổi sẽ phát huy tối đa tiềm năng của mỗi con người. Vì thế, vấn đề phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời đã trở thành mục tiêu của Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Việt Nam trở thành một trong 69 quốc gia đã ban hành đề án tổng thể cấp quốc gia về “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em”.

Học làm cha mẹ

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp UNICEF tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khởi động triển khai chương trình Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ giai đoạn 2022 - 2025”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Bên cạnh trách nhiệm Nhà nước, các ngành trong việc tạo môi trường chính sách cho việc thực hiện phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời thì gia đình, đặc biệt cha mẹ đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế được.

Chính vì vậy, việc hỗ trợ kỹ năng làm cha mẹ là trụ cột quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ thơ. Việc cung cấp hỗ trợ cho các gia đình và kiến thức làm cha mẹ có chất lượng là điều vô cùng cần thiết để có thể đạt được sự phát triển tốt nhất cho mọi trẻ em. Cha mẹ cần được cung cấp kiến thức kỹ năng và quan tâm trực tiếp giáo dục con từ khi con còn bé; giúp trẻ phát triển thể chất và hình thành nhân cách, phát triển toàn diện cả tri thức và hành vi”.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF) cho biết, Chương trình Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ giai đoạn 2022 - 2025 được xây dựng từ chương trình làm cha mẹ không an hoàn hảo của Tổ chức Y tế công cộng Canada. Chương trình đã được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh: Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum và một số công trong giai đoạn 2019 - 2021. Mục tiêu của Chương trình là khuyến khích làm cha mẹ tích cực; Tăng cường hiểu biết của bố mẹ về sức khỏe, an toàn và hành vi của trẻ. Qua Chương trình giúp cha mẹ phát triển các kỹ năng, tăng sự tự tin trong nuôi dạy con cái.

Đồng thời, thúc đẩy sự hỗ trợ giữa các cha mẹ và tăng cường tiếp cận tới các nguồn lực; Giúp ngăn ngừa bạo lực trẻ em. Cũng theo bà Loan, Chương trình sẽ tiếp cận bằng phương pháp học qua trải nghiệm như cách học của người lớn, ghi nhận kinh nghiệm của từng cá nhân, khuyến khích sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các cha mẹ. Chương trình sẽ được triển khai tại 15 tỉnh/thành phố và 40 doanh nghiệp, sẽ đào tạo 440 hướng dẫn viên cho cộng đồng và 80 hướng dẫn viên cho doanh nghiệp. Mục tiêu sẽ tiếp cận 37 nghìn cha mẹ từ cộng đồng và 12,8 nghìn cha mẹ từ khối doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện và triển khai trên nền tảng số mốt chương trình đào tạo trực tuyến để tiếp cận được 22 nghìn cha mẹ; Xây dựng hướng dẫn và tài liệu giúp nhân rộng dự án ra tất cả các địa phương trên toàn quốc.

(Nguồn: Báo in Pháp uật Việt Nam số 276 ra ngày 3/10/2022)