Học phí dự kiến tăng gấp đôi, nhiều phụ huynh 'than trời'
Hai con nhà chị Thảo năm học tới sẽ lên lớp 7 và lớp 10, đồng nghĩa các khoản đóng góp cho một năm học của các con nhà chị Thảo sẽ tăng lên. Cả hai vợ chồng chị đều làm công chức Nhà nước, tổng thu nhập của cả nhà chỉ khoảng hơn 17 triệu đồng/tháng. Nếu theo dự kiến, mỗi con nhà chị sẽ phải nộp học phí ở mức đóng cao nhất, áp dụng cho khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng.
"Bên cạnh học phí thì các chi phí khác của hai con như tiền ăn uống, sách vở, tiền học thêm, mỗi tháng đã "nuốt chửng" hơn một nửa thu nhập của cả hai vợ chồng tôi. Với mức lương công chức ít ỏi, tôi chưa biết sẽ phải xoay xở thế nào với các khoản tiền đầu năm học như tiền điều hòa, máy chiếu... cùng với học phí. Có thể sắp tới tôi sẽ phải bán thêm đồ ăn nhanh trên mạng để có thêm nguồn thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt sau khi đóng học phí cho con".
Chị Thảo cho biết thêm, chị đang phấn khởi vì vừa nghe tin tiền lương sắp được tăng, mặc dù không nhiều thì ngay lập tức lại nghe thông báo tiền học phí của con sắp tăng, rồi tiền điện tăng... "Đã lo lắng, giờ chúng tôi lại càng lo lắng hơn".
Với những gia đình có thu nhập bấp bênh như anh Nguyễn Văn Nghĩa (ở Sóc Sơn) thì lại càng rối bời hơn vì việc tăng học phí là điều vô cùng đáng ngại. "Với nhiều gia đình thì số tiền học phí không lớn, nhưng hai vợ chồng tôi đều làm công việc tự do, một người chạy xe máy công nghệ và một người thì bán rau ở chợ thì đó là một khoản tiền không hề nhỏ".
Tới đây, nếu thành phố tăng học phí thì cuộc sống của gia đình anh và hai con sẽ thêm khó khăn. "Vợ chồng tôi đang tính có thể sẽ phải chuyển một đứa về quê học vì không cân đối được bài toán kinh tế khi đủ thứ tiền sinh hoạt trong gia đình tăng theo, chúng tôi không thể xoay xở kịp", anh Nghĩa chia sẻ.
Còn với chị Trịnh Thị Thu (ở quận Nam Từ Liêm) lại không bất ngờ với việc tăng học phí này. Điều chị Thu băn khoăn là học phí tăng thì chất lượng dạy học có tăng? "Với khoản tiền học phí tăng thì gia đình tôi có thể lo được cho các con. Nhưng tăng học phí cần đi đôi với việc nâng cao chất lượng dạy học, đầu tư cơ sở trường lớp. Hơn nữa, vào đầu năm học phụ huynh có còn phải đóng thêm các khoản tiền xã hội hóa nữa không. Học phí tăng theo giá cả thị trường mà học sinh đi học vẫn như trước thì quả thực sẽ gây bức xúc cho phụ huynh".
Về vấn đề tăng học phí đang thu hút sự quan tâm của xã hội, chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương lý giải, theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, khung học phí từ năm học 2023-2024 trở đi được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm. Căn cứ khung học phí năm học 2023-2024, HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể với mức tăng hằng năm không quá 7,5%. Như vậy, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã nêu rõ: Các địa phương phải xây dựng mức học phí mới. Mức thu này nằm trong khung quy định của Chính phủ, cụ thể ở từng cấp học.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, đời sống người dân đã ổn định sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, để bảo đảm ổn định mức học phí so với năm học 2022-2023, TP. Hà Nội dự kiến đề xuất mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức học phí năm học 2022-2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đơn cử, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định mức sàn học phí của học sinh các cấp học là 300.000 đồng/học sinh/tháng, mức trần học phí của học sinh mầm non, tiểu học là 540.000 đồng/học sinh/tháng; mức trần học phí của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông là 650.000 đồng/học sinh/tháng; thì TP. Hà Nội đề xuất mức thu học phí tất cả học sinh các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đều là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tức là mức thấp nhất trong khung quy định của Chính phủ.
Cũng theo ông Cương, nhằm chia sẻ với người dân trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm học 2022-2023, Hà Nội áp dụng chính sách hỗ trợ mức học phí của học sinh các cấp học. Hiện nay, đời sống người dân thành phố đã ổn định sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nền kinh tế cũng đang dần phục hồi, vì vậy, TP. Hà Nội dự kiến đề xuất HĐND thành phố tạm dừng hỗ trợ học phí từ năm học 2023-2024.
"Năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Cụ thể, các đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh khuyết tật và các đối tượng chính sách khác được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP".