Học viện Tư pháp xứng danh là Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp
Ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1155/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Đề án này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Học viện trong giai đoạn mới. Đây là sự ghi nhận kết quả, khẳng định sự đóng góp đồng thời cũng là sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật và pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
PV: Xin chào ông Nguyễn Xuân Thu, cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn của phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”?
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu: Thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Tư pháp đã trình Bộ trưởng xem xét, ký Quyết định số 2500/QĐ-BTP ngày 21/12/2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, ngày 06/01/2023, Giám đốc Học viện cũng đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-HVTP triển khai thực hiện Quyết định số 2500/QĐ-BTP ngày 21/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Sau gần 02 năm thực hiện, Học viện đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ đề ra tại Quyết định 1155/QĐ-TTg và đưa các nhiệm vụ này vào kế hoạch công tác năm, hằng quý, hằng tháng của Học viện và của các đơn vị thuộc Học viện. Các nhiệm vụ đã được triển khai một cách nghiêm túc, bài bản. Một số nhiệm vụ đã hoàn thành sớm, vượt chỉ tiêu đề ra. Có thể khái quát những kết quả đạt được như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông về nội dung và việc triển khai Quyết định số 1155/QĐ-TTg. Học viện Tư pháp đã đề xuất và đưa nội dung phổ biến, tuyên truyền về Quyết định số 1155/QĐ-TTg vào Kế hoạch truyền thông của Bộ Tư pháp và Kế hoạch truyền thông của Học viện Tư pháp trong các năm 2023 và 2024. Học viện đã chủ động phối hợp với một số cơ quan báo chí, truyền thông để giới thiệu nội dung Quyết định số 1155/QĐ-TTg và các hoạt động triển khai Quyết định số 1155/QĐ-TTg trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nghề luật và một số Tạp chí chuyên ngành khác. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến trong phim tư liệu trình chiếu trong Lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì và gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển Học viện Tư pháp vào ngày 25/02/2023, được phát sóng trên truyền hình và đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác.
Thứ hai, tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế về đào tạo các chức danh tư pháp. Tính đến nay, Học viện đã trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành các chương trình khung đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Trong các chương trình khung đã quy định rõ chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, học liệu, giảng viên, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học viên. Trên cơ sở đó, Giám đốc Học viện đã ban hành chương trình đào tạo chi tiết đối với các chức danh này và xây dựng thêm chương trình chi tiết các môn học nằm trong khuôn khổ các chương trình đào tạo. Song song với đó, Học viện Tư pháp cũng phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, ban hành quy định tiêu chuẩn đối với các hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, ngạch công chức chuyên ngành do Bộ Tư pháp quản lý. Đồng thời, Học viện Tư pháp rà soát, nghiên cứu, tìm hiểu để triển khai thực hiện nhiệm vụ xác định mã ngành đào tạo của Học viện Tư pháp trong hệ thống giáo dục quốc dân trong những năm tới.
Thứ ba, tiến hành rà soát, xây dựng mới các chương trình đào tạo và bồi dưỡng. Ngoài 10 chương trình đào tạo đang thực hiện, hiện nay, Học viện Tư pháp đã và đang xây dựng mới 03 chương trình đào tạo là: Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại; Chương trình đào tạo đăng ký viên biện pháp bảo đảm và Chương trình đào tạo thư ký nghiệp vụ thừa phát lại. Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại đã được triển khai từ cuối năm 2023; 02 chương trình đào tạo còn lại dự kiến sẽ triển khai thực hiện từ năm 2025. Học viện Tư pháp đã xây dựng mới 16 chương trình bồi dưỡng, bao gồm: 01 chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng thi hành án dân sự cho công chức ngành thi hành án; 06 chương trình bồi dưỡng kiến thức theo yêu cầu vị trí việc làm cho công chức ngành thi hành án; 10 chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Học viện tiếp tục triển khai công tác xây dựng, chỉnh sửa 21 chương trình bồi dưỡng.
Thứ tư, phát triển và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Mục tiêu đề ra đến hết năm 2025, Học viện có 85 giảng viên cơ hữu, trong đó số giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 20%. Đây là chỉ tiêu khó nhưng Học viện Tư pháp đang nỗ lực thực hiện. Đồng thời, Học viện Tư pháp tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trên cơ sở rà soát, chọn lựa những giảng viên giỏi, có uy tín, kinh nghiệm; xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên này.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống học liệu đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu dạy - học theo phương thức trực tiếp, phương thức trực tuyến (E - Learning) và phương thức kết hợp (Blended - Learning), phù hợp với yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với hệ thống học liệu truyền thống để đáp ứng yêu cầu của phương thức đào tạo trực tiếp, mục tiêu đề ra đến năm 2025 Học viện Tư pháp số hóa được 50% bài giảng và 100% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng phương thức đào tạo E-Learning và phương thức đào tạo kết hợp. Đến nay, Học viện đã số hóa được 100% giáo trình và hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (bao gồm 108 giáo trình, 03 sổ tay và 671 hồ sơ tình huống). Từ năm 2023 đến nay, Học viện đã và đang xây dựng hơn 30 bài giảng điện tử nhằm bước đầu xây dựng kho học liệu điện tử sử dụng cho phương thức đào tạo E-Learning. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ xây dựng được hơn 100 bài giảng điện tử.
Thứ sáu, hoàn thiện bộ công cụ kiểm soát, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp và tổ chức tự đánh giá trong nội bộ Học viện Tư pháp để làm cơ sở tự điều chỉnh, phát triển. Đến nay, Học viện Tư pháp đã ban hành Bộ tiêu chuẩn tự đánh giá chất lượng hoạt động của Học viện Tư pháp; đã tổ chức tự đánh giá chất lượng hoạt động giai đoạn 2017-2022 (hoàn thành vào cuối năm 2023). Trên cơ sở đó, Học viện Tư pháp đang xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng đào tạo và bồi dưỡng của mình.Bên cạnh đó, Học viện đang triển khai rộng rãi việc lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của cả giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng.
Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và cán bộ làm công tác pháp luật.Học viện Tư pháp hiện đang tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Năm 2023, Học viện Tư pháp triển khai 71 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở; chủ trì thực hiện 03 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ. Năm 2024, Học viện Tư pháp triển khai 69 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, tiếp tục thực hiện 01 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ.
Thứ tám, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng. Học viện Tư pháp đã và đang triển khai các nhiệm vụ về đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho cả trụ sở Học viện Tư pháp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Năm 2024 Học viện Tư pháp tiến hành sửa chữa lớn đối với tòa nhà làm việc và hội trường lớn. Năm 2025 sẽ tiếp tục sửa chữa lớn đối với khu giảng đường và ký túc xá. Ngày 11/8/2023, Giám đốc Học viện đã ký Quyết định số 1524/QĐ-HVTP ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Học viện Tư pháp đang tích cực triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch này (bao gồm: nâng cấp hạ tầng mạng; nâng cấp Cổng thông tin điện tử nội bộ Học viện; lắp đặt hệ thống camera giám sát khuôn mặt; xây dựng các phần mềm quản lý điều hành, đào tạo, bồi dưỡng, tài sản, nhân sự...).
Thứ chín, đẩy mạnh việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác quốc tế; tiếp tục củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có, chủ động kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của các nước trong và ngoài khu vực và các tổ chức quốc tế khác; tăng cường trao đổi, học tập công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại.
Học viện Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo chương trình, kế hoạch đối ngoại của Bộ Tư pháp. Năm 2023, Học viện Tư pháp đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục tổ chức 02 đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức và Cộng hòa Pháp; đón 01 Đoàn công tác từ Học viện Tư pháp của Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sang thăm và làm việc tại Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Tư pháp Việt Nam với Học viện Tư pháp của Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc); phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện công tác lễ tân tiếp đoàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cuba đến thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp cũng tổ chức thành công 17 hoạt động bao gồm các hội thảo, tọa đàm quốc tế, tập huấn và tổ chức diễn án. Ngoài ra, Học viện Tư pháp phối hợp với Học viện Tư pháp Lào thực hiện rà soát, hoàn thiện chứng từ để làm thủ tục đóng Dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào theo quy định; phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và UNICEF triển khai thực hiện thành công hoạt động xây dựng hồ sơ tình huống vụ án hình sự và dân sự liên quan đến người chưa thành niên; xây dựng 10 kịch bản Module giảng dạy trực tuyến về kiến thức nền tư pháp người chưa thành niên; ký kết và thực hiện Thỏa thuận hợp tác quốc tế với một số đối tác.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Học viện Tư pháp đã tổ chức 04 khóa tập huấn, 03 hội thảo quốc tế, 01 buổi giảng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, cử 01 viên chức tham gia Đoàn ra cấp Bộ và cử 02 viên chức tham gia Đoàn ra cấp Vụ; chức lễ ra mắt học liệu trực tuyến về tư pháp người chưa thành niên. Những tháng cuối năm 2024, Học viện tổ chức 01 khóa bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng công tác thi hành án dân sự và công tác tư pháp khác cho 15 công chức của Bộ Tư pháp Lào (trong thời gian 01 tháng); tổ chức 01 đoàn ra cấp Vụ sang học hỏi kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Đài Loan (Trung Quốc); xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Tư pháp và Trường Ramal (Cu Ba) đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Cu Ba ký kết vào tháng 7/2024 và các hoạt động hợp tác quốc tế khác theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Với việc chủ động triển khai các nhóm nhiệm vụ nói trên, Học viện Tư pháp đã đảm bảo chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2022 - 2025. Về chỉ tiêu đào tạo, trong năm 2023, Học viện Tư pháp đã tuyển sinh, tổ chức đào tạo 5.499 học viên các lớp, đạt 152,8% so với Kế hoạch tuyển sinh, đào tạo năm 2023. Tính từ ngày 01/01/2024 đến nay, Học viện đã tuyển sinh được 2.707 học viên các lớp đào tạo, đạt 75,19% so với kế hoạch được phê duyệt từ đầu năm. Về chỉ tiêu bồi dưỡng, trong năm 2023, Học viện Tư pháp đã tổ chức tổng số 88 lớp bồi dưỡng cho 5.098 học viên (đạt 98,04% chỉ tiêu). Từ đầu năm 2024 đến nay, Học viện Tư pháp đã tổ chức được 87 lớp với tổng số 4.748 học viên, đạt 106% so với kế hoạch được phê duyệt từ đầu năm.
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg, Học viện Tư pháp gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu: Bên cạnh những kết quả, thuận lợi đã kể trên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg, Học viện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Trước mắt có thể chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc chính dưới đây.
Thứ nhất, về việc xác định vị trí pháp lý của Học viện Tư pháp.Cho đến nay, Học viện Tư pháp vẫn chưa được công nhận là cơ sở giáo dục đại học, trong khi về thực chất công tác đào tạo của Học viện Tư pháp không khác với đào tạo sau đại học (thạc sĩ) theo định hướng ứng dụng/thực hành (nghề luật). Điều này dẫn đến không ít khó khăn cho việc xác định chiến lược phát triển Học viện trong tương lai, xác định mã ngành đào tạo cho các chương trình đào tạo và gây nhiều thiệt thòi cho đội ngũ giảng viên của Học viện (ví dụ: toàn bộ giờ giảng của giảng viên cho các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp không được tính để xét đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư).
Thứ hai, đối với công tác đào tạo.Mặc dù tổng số học viên đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra nhưng có 03 chương trình đào tạo chưa đảm bảo chỉ tiêu, gồm: Chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, Chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao, Chương trình đào tạo nghề công chứng chất lượng cao. Nguyên nhân là do nhu cầu đào tạo chấp hành viên của ngành Thi hành án dân sự giảm mạnh (năm 2023 và năm 2024, Tổng cục Thi hành án dân sự đều cử công chức đi học thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra); học viên không muốn chịu áp lực về khối lượng kiến thức và cường độ học tập cao (bao gồm cả mức học phí cao hơn) trong khi họ vẫn có thể lựa chọn chương trình đào tạo đại trà với khối lượng kiến thức, cường độ học tập và học phí thấp hơn (đối với Chương trình đào tạo nghề luật sư và Chương trình đào tạo nghề công chứng chất lượng cao).Bên cạnh đó, một số chương trình đào tạo mới theo chỉ tiêu đề ra tại Quyết định 1155/QĐ-TTg cũng khó hoặc không thể thực hiện được trong những năm tới (như: Chương trình đào tạo quản tài viên, Chương trình đào tạo trọng tài viên thương mại, Chương trình đào tạo hòa giải viên thương mại, Chương trình đào tạo thẩm tra viên thi hành án dân sự, Chương trình đào tạo thư ký thi hành án dân sự, Chương trình đào tạo trợ giúp viên pháp lý, Chương trình đào tạo giao dịch viên biện pháp bảo đảm…) vì phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhà nước có quy định “phải tốt nghiệp khóa đào tạo” trước khi bổ nhiệm hoặc công nhận chức danh đó hay không (hiện tại đều chưa có quy định).
Thứ ba, đối với công tác bồi dưỡng.Việc bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án cho kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự chưa thể triển khai vì phụ thuộc vào nhu cầu của ngành Thi hành án dân sự. Việc chiêu sinh, triệu tập công chức, viên chức tham gia không ít lớp bồi dưỡng trên thực tế không đủ số lượng để tổ chức lớp học hoặc không đạt chỉ tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Ngoài ra, việc bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội phải cạnh tranh mạnh với các cơ sở, tổ chức khác và phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện kinh tế xã hội, trong khi đó những năm gần đây, kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn nên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện cắt giảm nhu cầu bồi dưỡng.
Thứ tư, về công tác phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu. Do đặc thù hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đòi hỏi giảng viên phải có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức chuyên môn sâu mới nên việc tìm kiếm và mở rộng nguồn giảng viên gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, 2023, Học viện Tư pháp đã thông báo tuyển dụng 21 giảng viên (năm 2022 là 11 chỉ tiêu, năm 2023 là 10 chỉ tiêu). Tuy nhiên, số hồ sơ đăng ký dự tuyển và tỷ lệ trúng tuyển thấp (08 người trúng tuyển, đạt 38%).
PV: Vậy Học viện Tư pháp có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thưa ông?
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu: Mục tiêu tổng quát của Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” hướng vào khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực.Đề án xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025, Học viện Tư pháp sẽ ưu tiên cho các giải pháp sau để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải:
Thứ nhất, Học viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để có đề xuất với cấp có thẩm quyền trong việc xác định vị trí pháp phù hợp của Học viện trong thời gian tới.
Thứ hai, Học viện Tư pháp sẽ đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao, Chương trình đào tạo nghề công chứng chất lượng cao, các chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Đồng thời, Học viện Tư pháp sẽ rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, phương pháp tuyển sinh.
Thứ ba, Học viện Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp để đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng và phương thức chiêu sinh các lớp bồi dưỡng cho công chức, viên chức theo kế hoạch của Bộ Tư pháp nhằm vừa chiêu sinh đủ chỉ tiêu về số học viên và số lớp bồi dưỡng, vừa đảm bảo chất lượng bồi dưỡng nói riêng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Tư pháp nói chung.
Thứ tư, Học viện Tư pháp sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tư pháp, bám sát công tác xây dựng pháp luật để có thể khai thông cho việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1155/QĐ-TTg nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng hành nghề, hoạt động nghề nghiệp của các chức danh này, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Thứ năm, tiếp tục tìm kiếm nguồn, tiếp nhận công chức, viên chức phù hợp (bao gồm cả những người có chức danh tư pháp) về làm giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp. Đổi mới công tác tuyển dụng viên chức, nhất là công tác tuyển dụng giảng viên để tăng cường đội ngũ giảng viên cơ hữu vào năm 2025 và những năm tiếp theo.Ngoài những giải nêu trên, trong giai đoạn 2026 – 2030, để thực hiện thành công Quyết định số 1155/QĐ-TTg, Học viện Tư pháp còn phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chương trình, học liệu, phát triển nguồn lực con người, nguồn lực vật chất, nguồn lực tài chính, nghiên cứu khoa học, hợp tác trong nước và quốc tế…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!