Hội nghị Chống tham nhũng của Liên hợp quốc kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước
Theo UN News, năm nay, Hội nghị Chống tham nhũng của Liên hợp quốc, hay còn gọi là Hội nghị Các quốc gia thành viên (CoSP), đánh dấu kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước - một dấu mốc mang tính bước ngoặt.
“Tham nhũng không chỉ cướp đi tài nguyên, nguồn lực mà còn cướp đi niềm hy vọng của con người”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói trong một thông điệp video, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn, phát hiện và truy tố tham nhũng, trong sự hợp tác với xã hội dân sự và khu vực tư.
Hội nghị kéo dài một tuần, quy tụ hơn 2.000 người tham gia từ các chính phủ, tổ chức khu vực và quốc tế, các chuyên gia cũng như đại diện khu vực tư nhân và xã hội dân sự để xem xét tiến độ thực thi Công ước.
Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức trong việc thực thi UNCAC.
Cũng phát biểu tại lễ khai mạc ngày 11/12, bà Ghada Waly, Giám đốc Điều hành Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), ca ngợi Công ước là một khuôn khổ toàn cầu “đồ sộ”.
Theo bà Ghada Waly: “Công ước đã trở thành một tiêu chuẩn và công cụ phổ quát, là cơ sở cho những cải cách pháp lý và thể chế mang tính chuyển đổi ở nhiều quốc gia, cũng như hợp tác quốc tế”.
Trong phiên họp, các quốc gia thành viên sẽ xem xét các dự thảo nghị quyết và quyết định, giải quyết các vấn đề như đo lường tham nhũng, bảo vệ người tố giác, minh bạch quyền sở hữu và mua sắm công, cùng nhiều vấn đề khác.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng là văn kiện quốc tế đầu tiên có hiệu lực đối với các thành viên ở phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Công ước được thông qua ngày 31/10/2003, có hiệu lực kể từ ngày 14/12/2005, hướng tới thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng và chống tham nhũng một cách hữu hiệu và hiệu quả hơn; thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong việc phòng và chống tham nhũng, kể cả việc thu hồi tài sản; thúc đẩy sự liêm chính, chế độ trách nhiệm và việc quản lý đúng đắn công vụ, tài sản công.
Nội dung của Công ước bao gồm 8 chương, 71 điều, nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở tất cả các thành viên.
Về bối cảnh ra đời Công ước, trong giai đoạn những năm 2000, cùng với xu thế toàn cầu hoá, tham nhũng ngày càng lan rộng và trở thành một vấn đề hết sức nhức nhối, đe doạ nghiêm trọng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, việc hình thành một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa các quốc gia trên phạm vi quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng và tác hại của hành vi này là một yêu cầu bức thiết của cả cộng đồng quốc tế.
Ngày 4/12/2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết thành lập một Uỷ ban đặc biệt chịu trách nhiệm soạn thảo Công ước. Cơ quan thường trực của Uỷ ban này là UNODC.
Từ tháng 2/2002 đến tháng 10/2003, Uỷ ban soạn thảo Công ước đã họp 7 phiên với sự tham dự của đại diện hơn 100 quốc gia trên thế giới và gần 30 tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để thảo luận và xây dựng dự thảo Công ước. Tiến trình đàm phán xây dựng Công ước được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Tính đến ngày 10/10/2023, Công ước đã có 190 thành viên, trong đó có 185 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc cùng Đảo Cook, Nieu, Vatican, Nhà nước Palestine và Liên minh châu Âu.
Việt Nam đã ký kết UNCAC từ năm 2003 và chính thức phê chuẩn, tổ chức thực thi UNCAC năm 2009 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, đồng thời thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.