Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Nghị định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành; các đại biểu là đại diện các UBND, Sở Tư pháp cùng một số cơ quan chuyên môn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Bắc và UBND các thành phố/thị xã/quận/huyện của tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12/02/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/03/2020, quy định những vấn đề pháp lý cơ bản về hoạt động kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như: Trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động kiểm tra; thực hiện kết luận kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra; xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Qua 03 năm triển khai thi hành, công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã đạt được những kết quả nhất định, ngày càng được quan tâm, chú trọng, từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành, các cơ quan, đơn vị còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Kiểm tra trực tiếp các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, một số địa phương đã ghi nhận những sai sót của người có thẩm quyền khi thi hành công vụ về xử lý vi phạm hành chính như: Biên bản lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản nhưng không ghi rõ lý do; biên bản gồm nhiều trang nhưng không ký vào từng trang biên bản; phần giao biên bản không trình bày theo đúng quy định hướng dẫn; sử dụng chưa đúng các mẫu biên bản, mẫu quyết định được ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; chưa ghi nhận quyền giải trình của đối tượng vi phạm theo quy định của Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chưa bảo đảm tính kịp thời và thời hạn theo quy định; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; cá nhân vi phạm không ký vào phần giao nhận quyết định xử phạt; quyết định xử phạt xác định nhầm lẫn giữa hình thức phạt phổ sung với biện pháp khắc phục hậu quả; quyết định xử phạt không ghi nội dung tình tiết giảm nhẹ nhưng áp dụng mức phạt tiền thấp nhất của khung hình phạt. Việc đánh bút lục và lưu trữ hồ sơ về xử phạt vi phạm hành chính của một số cơ quan, đơn vị kiểm tra chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, qua 03 năm triển khai thi hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, cả nước ghi nhận có 155 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC, trong đó: khiển trách 107 trường hợp, cảnh cáo 28 trường hợp, hạ bậc lương 07 trường hợp, giáng chứng 01 trường hợp, cách chức 02 trường hợp và buộc thôi việc 06 trường hợp.
Tại Hội nghị, một số đại biểu cũng đã trình bày tham luận về thực tiễn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại cơ quan, đơn vị như, việc áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật trong Nghị định số 19/2020/NĐ-CP còn nhiều khó khăn, bất cập đối với cán bộ, công chức, viên chức có các hành vi vi phạm trong Nghị định sau khi nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác.
Trong quá trình hoạt động kiểm tra chưa giao cho người có thẩm quyền kiểm tra (Trưởng đoàn kiểm tra) một số nhiệm vụ quyền hạn nhất định, nhất là trong khi kiểm tra phát hiện việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xử phạt sai thẩm quyền, vi phạm các hành vi quy định tại Nghị định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân để ngăn chặn và khắc phục kịp thời (như: tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt, hủy bỏ quyết định xử phạt...). Việc tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt.
Một số cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt chưa cương quyết trong việc xử phạt vi phạm hành chính; ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân vi phạm còn hạn chế dẫn đến sự chậm trễ hoặc không thi hành quyết định xử phạt; việc áp dụng các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính không thống nhất (cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau), gây khó khăn, lúng túng trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mặc dù đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nhưng đội ngũ làm công tác này chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nên chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Nguyễn Quốc Hoàn ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận của Giám đốc Sở tư pháp Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Bắc Giang và Cục pháp chế và cải cách hành chính - Bộ Công an…, cũng như các kiến nghị, đề xuất. Thông qua Hội nghị, để có cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện kết quả triển khai thi hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu, định hướng hoàn thiện pháp luật đối với công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới.