Hồi sinh công viên Hà Nội
Cuối tháng 12/2021, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 332 chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp 3 công viên do thành phố quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo. Cùng đó, 10 vườn hoa: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cố Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng. Nhưng tới thời điểm hiện tại, mọi sự vẫn giậm chân tại chỗ. Tới ngày 4/9/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Quyết định số 3102 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Người Hà Nội vốn tự hào mình là công dân của thành phố xanh, với hệ thống cây cối đa dạng về chủng loại, nhiều con đường mùa hè rợp bóng mát. Người Hà Nội cũng từng tự hào về hệ thống công viên, vườn hoa, hồ nước nhưng nay niềm tự hào đó đã và đang rời xa, khi mà sự xuống cấp cứ âm thầm diễn ra từ ngày này sang ngày khác.
Công viên Thống nhất, Thủ Lệ và Bách Thảo đã gắn bó lâu đời với người dân Thủ đô, là nỗi nhớ niềm mong của người Hà Nội khi đi xa. Nhưng nay thật vắng vẻ. Cần phải nói ngay rằng, ở nội đô mà có được diện tích lớn như 3 công viên này là điều lý tưởng: Thủ Lệ rộng 28ha; Thống Nhất 28ha; Bách Thảo hơn 10ha. Tiếc thay, sự ưu ái ấy cho không gian công cộng đã không được đền đáp, khi mà cả 3 công viên này đều mất sức thu hút.
Xin được nhắc lại, từ năm 2014 Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gần 10 năm trôi qua, trên thực tế rất ít dự án được thực hiện còn lại hầu hết là nằm trên... bản vẽ. Trong khi đó, diện mạo thành phố đổi thay đến chóng mặt với hàng loạt chung cư cao tầng, khu đô thị mới. Không biết bao nhiêu dự án bất động sản với các chung cư cao vài chục tầng mọc lên, cùng với tốc độ tăng dân số trung bình 200.000 người/năm, càng làm cho môi trường sống thêm ngột ngạt. Cùng với đó, việc thiếu nguồn vốn đầu tư, không được quan tâm đầy đủ đã dẫn đến tình trạng hệ thống công viên, vườn hoa của Hà Nội vừa thiếu vừa xập xệ.
Theo Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án "Thành phố sống tốt" thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, bình quân mỗi người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng, trong khi các thành phố trên thế giới đạt mức 9m2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới theo kịp các thành phố phát triển trên thế giới. Ông Hải cũng cho rằng hầu hết các công viên lớn ở Hà Nội đều có tường rào bao quanh, điều này làm hạn chế người dân tiếp cận dù rất muốn. Còn nói như Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc (người đồng sáng lập Ashui.com) thì lẽ ra công viên phải là nơi người dân thường xuyên đến để hưởng những tiện ích nhưng hiện tại hầu hết các công viên ở Hà Nội đều không thu hút được người dân. “Người ta luôn khao khát không gian hít thở, thư giãn nhưng lại ngần ngại, bởi giao thông bất tiện, rào chắn, thu phí, hoặc có thể bị ám ảnh tệ nạn xã hội hay thậm chí chỉ vì công viên không có gì hay" - ông Bắc bày tỏ.
Để “hồi sinh” hệ thống công viên, vườn hoa, nhất thiết phải đầu tư lớn, trong đó cần thiết phải kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Cách đây chưa lâu, trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, Hà Nội định hướng nghiên cứu công viên Thống Nhất theo hướng mở, không thu vé vào và có thể bỏ hàng rào để người dân dễ tiếp cận. Đó là điều rất tốt, nhưng quan trọng hơn nữa là phải đầu tư, nâng cấp nếu không thì dù có không thu vé thì người dân cũng bỏ rơi. Thực tế cho thấy, vào ngày cuối tuần, hiện giờ người Hà Nội đưa con vào khu giải trí, ẩm thực của các siêu thị lớn, thay vì vào công viên.
Một thủ đô văn minh, hiện đại thì không thể thiếu hệ thống công viên, vườn hoa. Công viên, vườn hoa là không gian chung mà Nhà nước tạo ra phục vụ cho nhân dân. Cùng với cải tạo, nâng cấp các công viên cũ, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần khẩn trương lấy những khu đất lưu không, quy hoạch những khoảng đất hiện đang bị bỏ hoang ở các vùng ven để biến thành công viên, vườn hoa; bởi nếu không rất có thể nó sẽ bị phân lô bán nền.
Nhưng trước mắt, khi đang có những công viên lớn thì chính quyền thành phố Hà Nội cần phải hành động ngay để xóa đi điều vô lý khi mà đa số người dân hững hờ, ngại vào công viên vì những lý do rất không đáng có.