Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới "
Tham dự hội thảo có ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ; bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng các chuyên gia, diễn giả và 140 đại biểu đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan, đơn vị làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời kết nối trực tuyến với các đại biểu tại Vũng Tàu, Bắc Giang.
Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh đã thật sự trở thành thách thức đối với công tác dân số. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi là định kiến giới. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của nhiều người Việt Nam. Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới cá nhân, gia đình, cộng đồng và các chuẩn mực xã hội.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu đã cùng thảo luận các vấn đề nóng trong ba phiên thảo luận chính về: Tình hình thực hiện các can thiệp truyền thông nhằm giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam và trên thế giới; Truyền thông sáng tạo chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; Truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Trong các phiên làm việc, các chuyên gia, đại biểu đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm truyền thông sáng tạo, giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và kinh nghiệm trong nghiệm truyền thông về lựa chọn giới tính của các Bộ/ngành, địa phương. Đồng thời thúc đẩy sự tham gia của các Bộ/ban/ngành đoàn thể, địa phương trong các hoạt động truyền thông giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Thông qua Hội thảo, có nhiều giải pháp được đề ra như: Tiếp tục truyền thông về thực trạng, tỉ số giới tính khi sinh tại địa phương, những nguyên nhân, hệ lụy và những giải pháp; Đẩy mạnh truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính khi sinh; Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; Đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, xây dựng các mô hình truyền thông, phát triển và phù hợp với tình hình dân số mới; Thường xuyên đổi mới các thông điệp, sản phẩm truyền thông phù hợp với thực trạng, đặc điểm văn hóa của từng vùng,... cùng nhiều giải pháp khác. Qua đó, góp phần sớm cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam.