Hợp tác giữa Bộ, ngành tư pháp Việt nam -Lào: Ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả
* Thưa Thứ trưởng, việc tổ chức Hội nghị lần này có ý nghĩa như thế nào đối với sự hợp tác giữa hai Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam và Lào?
- Quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào nói chung và giữa Bộ, ngành Tư pháp hai nước nói riêng là một phần quan trọng trong tổng thể quan hệ hữu nghị đặc biệt vĩ đại giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam và Lào. Trải qua 40 năm được vun đắp của nhiều thế hệ Lãnh đạo và cán bộ tư pháp hai nước đến nay có thể nói quan hệ hợp tác giữa hai Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam - Lào ngày càng gắn bó và phát triển theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, với nội dung hợp tác phong phú cả ở cấp Trung ương và ở cấp địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng được tổ chức định kỳ luân phiên tại mỗi nước là một trong những minh chứng cho quan hệ tốt đẹp hợp tác Việt Nam - Lào về pháp luật và tư pháp.
Năm nay, việc tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ năm tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt khi hai nước xác định 2022 là “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào”, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Với ý nghĩa đó thì Hội nghị được tổ chức thành công sẽ là sự đóng góp quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp hai nước trong một năm đặc biệt này. Bên cạnh đó, Hội nghị năm nay được tổ chức đúng vào năm hai nước tổ chức 40 năm (1982 - 2022) thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp đem lại cơ hội cho hai Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam - Lào… các nội dung thảo luận của Hội nghị, trong tổng thể 40 năm phát triển quan hệ hợp tác. Cuối cùng, sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, mặc dù cả hai bên đều cố gắng duy trì những hoạt động nhất định ở quy mô và những phương thức khó có thể nói tương xứng với quan hệ “đặc biệt” thì Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 5 này được coi là thông điệp mạnh mẽ của hai Bộ, ngành Tư pháp về việc không có gì ngăn cản được quyết tâm hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào, cũng như về sự sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới của quan hệ hợp tác này”.
* Xin Thứ trưởng cho biết tình hình thực hiện Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ tư?
- Để có thể đánh giá được đầy đủ kết quả thực hiện kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ tư (tháng 7/2018 tại Thủ đô Viêng Chăn - Lào) thì có lẽ cần thêm thông tin và đánh giá từ phía các bạn Lào. Nhưng từ góc độ Bộ Tư pháp Việt Nam thì xin phép khái quát vài ý như sau:
Một là, về việc thực hiện các chương trình, thỏa thuận hợp tác đã ký kết: Bộ, ngànhTư pháp hai nước đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các thỏa thuận của hai nước có liên quan đến công tác pháp luật và tư pháp và các chương trình hợp tác của hai Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp có chung đường biên. Cho đến thời điểm này, hai Bên đã hoàn thành việc xác định các đối tượng thuộc diện giải quyết theo Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về xử lý vấn đề quốc tịch, hộ tịch của người di cư tự do và đã giải quyết được cho hàng ngàn người dân của mỗi nước được nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, tạo điều kiện thuận lợi, ổn định về pháp lý để người dân sinh sống, làm ăn ổn định tại khu vực biên giới. Ở cấp địa phương, các cuộc trao đổi, tiếp xúc dưới nhiều hình thức ở cấp địa phương giữa các SởTư pháp,CụcThi hành án dân sự của Việt Nam và Lào đã được tăng cường tổ chức để thúc đẩy triển khai công tác thi hành án dân sự, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cho người dân vùng biên.
Hai là, về hợp tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp của Lào: xác định đây là một trong những trọng tâm của hợp tác giữa hai Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam - Lào, Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác này. Điểm nhấn hợp tác về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp của Lào trong giai đoạn này đó là hai Bên cùng nhau nỗ lực triển khai thoả thuận giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào về việc triển khai Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào, Bộ Tư pháp Việt Nam (Học viện Tư pháp) và Bộ Tư pháp Lào (Học viện Tư pháp Lào). Cho đến thời điểm này, đã có 4 đoàn công tác của Học viện Tư pháp Việt Nam sang Lào trong khuôn khổ Dự án này để trao đổi, tổ chức giảng dạy thử nghiệm về kết quả của Dự án cũng như nhiều lượt cán bộ, đoàn công tác của Lào sang Việt Nam cùng triển khai các nội dung cụ thể của Dự án và có thể đánh giá rằng các mục tiêu cơ bản của Dự án đã đạt được. Các cơ sở giáo dục, đào tạo khác của Bộ Tư pháp Việt Nam cũng có những hoạt động cụ thể để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp Lào và đào tạo nguồn nhân lực về luật cho Lào.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua hai Bộ, ngành Tư pháp ở cả Trung ương và địa phương đều có những nỗ lực, cố gắng tổ chức thực hiện kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ tư, điều đáng mừng là đã có những kết quả cụ thể có thể đánh giá được, duy trì được các cuộc gặp của Bộ trưởng Tư pháp hai nước để trao đổi về những định hướng tăng cường, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Lào.
* Tại Hội nghị lần này, Bộ, ngành Tư pháp hai nước dự kiến sẽ tập trung triển khai những nội dung gì?
- Với định hướng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu và phải hiệu quả, thiết thực thì tại Hội nghị lần này hai Bộ, ngành Tư pháp sẽ đánh giá kỹ, chính xác kết quả hợp tác kể từ khi kết thúc Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ tư. Những kết quả đánh giá này cùng với những định hướng, yêu cầu mới đặt ra đối với Bộ, ngành Tư pháp hai nước sẽ là những cơ sở quan trọng cho việc hai bên thống nhất những nội dung hợp tác đường biên cho thời gian tới. Tới nay có thể dự kiến các nội dung sẽ nhận được nhiều sự quan tâm là:
Thứ nhất, hoàn thiện các cơ chế pháp lý để thúc đẩy hợp tác như phấn đấu kết thúc đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa hai nước và chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức Hiệp định sau khi có hiệu lực ở cấp Trung ương và địa phương. Tiếp tục ký kết các thỏa thuận, kế hoạch và chương trình hợp tác giữa hai Bộ, các Sở Tư pháp hai nước và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp hai nước để làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa hai Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ hai, hợp tác, hỗ trợ nhau trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân cũng như tổ chức thực hiện các công tác này trên thực tế tại các khu vực biên giới để nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cư dân biên giới và hỗ trợ cư dân biên giới khi gặp vướng mắc về các vấn đề pháp lý.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả công tác về đào tạo luật và bồi dưỡng cán bộ tư pháp ở cả Trung ương và địa phương. Hai Bên sẽ phối hợp tích cực, chặt chẽ để kịp thời hoàn thành các hoạt động trong khuôn khổ Dự án ODA Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; chỉ đạo các cơ sở đào tạo luật của hai Bộ Tư pháp tăng cường hợp tác trong việc nâng cao năng lực cán bộ tư pháp của Bộ và ngành Tư pháp Lào.
Cuối cùng, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm để giải quyết tốt hơn các vấn đề pháp lý và tư pháp của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là thực hiện đúng các điều ước quốc tế và pháp luật của mỗi nước liên quan tới công tác quốc tịch, hộ tịch, thi hành hiệu quả các yêu cầu ủy thác tư pháp, phối hợp tổ chức thi hành án dân sự,...
*Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 235 ra ngày 23/8/2022)