Huy động tốt nguồn lực tri thức kiều bào phục vụ phát triển đất nước
Kiều hối tiếp tục là “điểm sáng” trong phát huy nguồn lực kiều bào
Trả lời phỏng vấn báo chí về thu hút nguồn lực kiều bào, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo ước tính, trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) hiện nay, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600 ngàn người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em các thế hệ của người Việt ở sở tại. Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương… đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu và làm việc. “Tôi cho rằng, trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt đối với phát triển và sức mạnh của mỗi quốc gia, việc huy động tốt nguồn lực tri thức của NVNƠNN sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”, bà Hằng nói.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, thời gian qua, công tác kết nối nguồn lực của NVNƠNN phục vụ phát triển đất nước ngày càng được chú trọng với hình thức, nội dung đa dạng, đổi mới, sáng tạo thực chất với mục đích là khơi thông nguồn lực của NVNƠNN đối với quê hương, đất nước. Trong lĩnh vực kinh tế, tính đến tháng 10/2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn đầu tư của kiều bào về nước theo các hình thức gián tiếp khác, hoặc theo hình thức đầu tư trong nước (chưa được thống kê riêng).
Kiều hối tiếp tục là “điểm sáng” trong công tác phát huy nguồn lực NVNƠNN. Năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Vai trò của kiều bào trong các lĩnh vực văn hoá, du lịch, kết nối giao thương, sức mạnh mềm… cũng ngày càng rõ nét.
Tạo dựng môi trường làm việc ngang tầm để thu hút nhân tài
Trong thời gian tới, để thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn lực kiều bào - đặc biệt là nguồn lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, đóng góp cho đất nước, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh một số nhóm biện pháp lớn. Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức, chuyên gia kiều bào. Theo đó, cần rà soát và có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai các quy định về khuyến khích NVNƠNN tham gia các hoạt động trên mọi lĩnh vực tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực cần ưu tiên đặc biệt cho phát triển như khoa học và công nghệ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, mạnh dạn trao quyền, mở rộng phân cấp và tăng tính tự chủ cho các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cơ sở... có nhu cầu sử dụng chuyên gia, trí thức NVNƠNN về làm việc.
Thứ hai, cần chú trọng tạo dựng môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm, để từ đó chiêu mộ những nhân tài, chuyên gia, trí thức NVNƠNN về làm việc lâu dài, góp phần nâng cao năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ của đất nước; có chiến lược đầu tư cho một số trung tâm trong các lĩnh vực ưu tiên, với vai trò là đầu mối kết nối với các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trên thế giới và là đầu tàu nhằm cải tiến nền khoa học công nghệ nước nhà.
Thứ ba, mỗi địa phương, Bộ, ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng những chiến lược và chính sách linh hoạt nhằm trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp; có chính sách sử dụng hiệu quả những lao động có kỹ năng, tay nghề được tu nghiệp tại các nước phát triển; mạnh dạn tin dùng và tạo cơ hội cho các tài năng trẻ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các nước trở về. Ngoài ra, cần đầu tư nguồn lực tài chính cho việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phục vụ thu hút nguồn lực kiều bào.