1. Trang chủ /
  2. Điểm đến Việt Nam và những kỳ vọng mới

Điểm đến Việt Nam và những kỳ vọng mới

thứ hai, 5/9/2022 11:36 GMT+07
(PLM) - Sau những màn khởi động mạnh mẽ, du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế. Trong đó, kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 được xem là dấu mốc quan trọng trong các khâu chuẩn bị cuối cùng với những kỳ vọng và cả thách thức.
Duyên dáng Việt Nam trong chương trình Ký ức Hội An. Ảnh: Quang Vinh

Giải quyết vấn đề nổi cộm

Sau khi chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh và tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Theo báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021, du lịch Việt Nam xếp hạng 52/117 nền kinh tế, trong đó có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, ngoài chỉ số về tài nguyên du lịch, đáng chú ý là nhóm “An toàn, an ninh” xếp hạng 33. Cũng theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam đã tăng từ vị trí 14, lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng “Chỉ số phục hồi Covid-19” nhờ vào số ca mắc và tử vong giảm liên tục… Đặc biệt, ở lĩnh vực đưa khách du lịch nước ngoài (outbound), tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn. Nhiều đơn vị lữ hành thông báo đã phục vụ nhiều đoàn khách, trong đó chủ yếu là ở các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, Đông Bắc Á, các nước trong khu vực ASEAN.

Có thể nói, các chỉ số trên đã góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu điểm đến an toàn, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, với việc mở cửa trở lại ở nhiều quốc gia, nhiều xu hướng thị trường và nhu cầu của khách du lịch dần được định hình rõ nét. Tuy nhiên, những kết quả tốt đẹp của du lịch Việt Nam vừa qua chủ yếu là từ du lịch nội địa. Đây cũng là những thách thức không nhỏ cho du lịch Việt Nam trong việc nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu du lịch của du khách quốc tế. Cùng với đó là khâu chuẩn bị các điều kiện cần thiết của doanh nghiệp du lịch, của điểm đến để đáp ứng được đa dạng thị trường khách, thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng du lịch.

Bởi thực tế, các điểm đến hầu như đều đang quay lại vạch xuất phát của du lịch quốc tế. Vì vậy, những sự thay đổi về xu hướng thị trường khách du lịch, cạnh tranh và năng lực nội tại của ngành du lịch Việt Nam cũng đặt ra những yêu cầu phải thay đổi, nhất là thay đổi tư duy làm du lịch; thay đổi về môi trường du lịch, an ninh, an toàn của điểm đến; thay đổi về sản phẩm du lịch… để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, một trong những vấn đề nổi cộm ngành du lịch đang phải đối diện thời gian qua là nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch đang thiếu lực lượng lao động nghiêm trọng, đôi khi quá tải dịch vụ một phần không có nhân viên phục vụ, đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm du lịch cũng như sự hài lòng của du khách đạt ở mức thấp.

Nhìn nhận về thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình bày tỏ, trong bối cảnh các thị trường truyền thống vẫn chưa sẵn sàng đưa khách đến Việt Nam như lạm phát toàn cầu, nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế lớn chưa thực sự phục hồi, lực lượng lao động thiếu hụt… thì ngành du lịch và hơn hết là các doanh nghiệp cần phải làm gì để sớm đưa du lịch quốc tế ở Việt Nam trở lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch. Đó là một công việc rất quan trọng mà cả ngành phải vào cuộc...

“Phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của 40 nghìn doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch” - ông Bình phân tích.

Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh


Nắm bắt cơ hội

Có thể thấy, số lượng du khách quốc tế tuy chiếm tỷ lệ chưa cao về đóng góp đối với du lịch, nhưng đã có những tín hiệu tích cực, khả quan cho sự phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam sau đại dịch. Bởi du lịch du lịch quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hoạt động xuất khẩu tại chỗ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Ngoài ra, du lịch quốc tế phát triển cũng giúp củng cố và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới. Mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành du lịch. Đặc biệt, sau những “khởi động” mạnh mẽ, kỳ nghỉ Quốc khánh mùng 2-/9 tới đây đang được kỳ vọng sẽ là “phép thử” cuối cùng du lịch Việt Nam cho việc sẵn sàng đón khách quốc tế ở những tháng cao điểm tới đây.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, để tạo đột phá thu hút khách quốc tế trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá tới các thị trường chi tiêu cao như Mỹ, Ấn Độ… Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, còn đòi hỏi doanh nghiệp du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch.

Du khách tham quan TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt 2 tầng. Ảnh: Thanh Thu.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng, sự thay đổi nhu cầu du lịch của du khách, cũng là cơ hội và thách thức lớn đối với toàn ngành, đặc biệt trong đổi mới và xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch, vận hành, quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh phù hợp sự thay đổi, phát triển không ngừng của khoa học công nghệ... nhằm đáp ứng nhu cầu mới, đa dạng của khách du lịch trong bối cảnh mới. Chính vì thế, du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Hơn lúc nào hết, một lộ trình phục hồi mạnh mẽ cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch quốc tế nói riêng là vô cùng cần thiết để đảm bảo phục hồi, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.