Điểm mặt những "góc khuất" chờ giải quyết ở Nhà xuất bản Giáo dục
Từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ mười.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh những ưu điểm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn sách giáo khoa; đầu tư công…
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng cần được tiếp tục kiểm tra, làm rõ
Trước thông tin này, dư luận cha mẹ học sinh và nhân dân kỳ vọng Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ làm sáng tỏ những “góc khuất” trong công tác biên soạn sách giáo khoa.
Vấn đề Sách giáo khoa đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận, nhiều câu hỏi lớn trong việc biên soạn xuất bản sách vẫn chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng có thẩm quyền
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa mới, trong đó chỉ riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có 4 bộ là bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống"; bộ "Chân trời sáng tạo"; bộ "Cùng học để phát triển năng lực”; bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Bộ sách còn lại là "Cánh Diều", sản phẩm hợp tác của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam. [1]
Tuy nhiên, đến năm học 2021- 2022, chỉ còn 03 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu gồm bộ “Cánh diều”, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo”.
Như vậy, 2 trong 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai giảng dạy từ lớp 1 đã không còn là bộ “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.[2]
Sự “biến mất” của 2 bộ sách giáo khoa này dù đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải thích, tuy nhiên, câu trả lời chưa thể thuyết phục được dư luận, đặc biệt là với các học sinh, các thầy cô giáo đã được tập huấn để học tập và giảng dạy các bộ sách này.
Liên quan đến vấn đề in ấn sách giáo khoa, ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá bán sách giáo khoa là một trong những vấn đề luôn được quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của học sinh, phụ huynh.
Thế nhưng, vấn đề giá sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn luôn thu hút sự chú ý của dư luận bởi nhiều còn rất nhiều bí ẩn.
Ngày 3/4/2019 Tạp chí điện tử Nhà đầu tư đăng bài "Bí ẩn nguồn thu gánh lỗ sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục" dẫn lời ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời về cơ cấu giá thành cho việc xuất bản, phát hành (sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập?) cho biết, giấy và công in chiếm 65%, phát hành chiếm 20%, 15% là cho chi phí nhân công và quản lý.
Điều này cho thấy nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất là chi phí mua giấy để in sách và đây là một trong những yếu tố tạo nên giá thành sản xuất và quyết định đến giá bán của sách giáo khoa.
Số lượng giấy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sử dụng hàng năm ước tính hơn 40.000 tấn với giá trị ước tính gần 1.000 tỷ đồng.
Với số lượng nguyên liệu đầu vào lớn như vậy, việc đấu thầu rộng rãi, minh bạch sẽ giúp giảm giá thành sách giáo khoa". (3)
Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất, năm báo cáo: 2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) ngày 18/6/2020 cho biết một trong những khó khăn của đơn vị này là giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%) (4)
Tuy nhiên, vào tháng 10/2021 đã có những lùm xùm khi có nhà cung cấp giấy in kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc công ty này không được tham gia chào hàng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp giấy in sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mặc dù đã 2 lần gửi công văn đề nghị.
Như vậy, đấu thầu cạnh tranh công khai và minh bạch là giải pháp tốt nhất để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tìm được các nhà cung cấp giấy in đảm bảo chất lượng với giá thấp nhất, chỉ có như vậy mới có thể giảm tối đa chi phí giá thành, giảm gánh nặng cho xã hội và mang về lợi nhuận cho chính nhà xuất bản này.
Dư luận rất cần các cơ quan chức năng làm rõ việc này bởi theo lời của ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 12 - 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với báo chí cho biết: “Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, quốc sách hàng đầu, in ra là để phục vụ cho việc học tập của thế hệ trẻ” và “không thể tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách dẫn đến thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trước đó, thời điểm đầu năm học 2018-2019, một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm, “cháy hàng” sách giáo khoa; đặc biệt là các bộ sách giáo khoa đầu cấp cho học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10.
Nhiều phụ huynh “nháo nhác” mua gom nhiều nơi mới có đủ bộ sách giáo khoa cho con.
Tháng 9/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành việc kiểm tra về vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa năm học 2018-2019 tại Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Đến nay, kết quả của đợt kiểm tra rất khó tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.[5]
Xa hơn nữa, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai kết luận sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong đó chỉ rõ hàng loạt các sai phạm như vi phạm về công tác quản lý sử dụng tài sản; về công tác tài chính, công tác tổ chức cán bộ…[6]
Đến nay kết quả của việc xử lý các sai phạm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như thế nào vẫn là câu hỏi lớn của rất nhiều người.