Điểm sáng giữa những biến động
Theo đó, Moody’s Analytics cho rằng bất chấp lạm phát và sự suy giảm của nhiều nền kinh tế kể từ tháng 2/2020 đến nay, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất của châu Á - Thái Bình dương có GDP tiếp tục tăng trưởng mạnh. Moody’s Analytics dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 đạt 8,5% - cao nhất trong khu vực.
Còn tờ The Star (Malaysia) dẫn nguồn nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Phòng Thí nghiệm tăng trưởng Harvard (Growth Lab, Đại học Harvard, Mỹ): Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới đến năm 2030. Dự kiến đến năm 2030, 3 cực tăng trưởng mới dẫn đầu thế giới bao gồm châu Á, Đông Phi, Đông Âu. Trong đó, các đại diện tại châu Á được đánh giá là đã đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới gồm Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Trong lúc nhiều nền kinh tế bị lạm phát tấn công, nhiều khả năng rơi vào suy thoái, kể cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới, thì kinh tế Việt Nam lại tiếp tục “vượt bão” khi mà GDP tăng, lạm phát được kiềm chế. Trong một công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề “Tận dụng sức mạnh: Giáo dục để phát triển”, đã cho rằng năm 2022 đầy khó khăn này kinh tế Việt Nam vẫn ước đạt mức tăng trưởng 7,5%. Nhận định trên dựa vào dữ liệu của WB rằng nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý 4/2021, sau đó tiếp tục tăng lần lượt 5,1% và 7,7% trong quý 1 và 2/2022.
WB cũng dự báo, lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 3,8%.
Tương tự, giới chuyên gia kinh tế châu Âu cũng có những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam.
“Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã có bước phát triển ngoạn mục, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về thương mại” - ông Axel Goethals, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS) nhận xét, đồng thời cho biết Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà đầu tư lớn thứ 6 ở Việt Nam và Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế thương mại quan trọng của EU. Một trong những nguyên nhân thành công trong quan hệ đối tác Việt Nam - EU chính là hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA); chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Rất đáng chú ý khi Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố Chỉ số quyền lực châu Á cho thấy hình ảnh quốc tế của Việt Nam được cải thiện tốt nhất ở châu Á - Thái Bình dương. Dẫn báo cáo của IMF, Viện Lowy cho rằng “các bước đi mang tính quyết định của Hà Nội trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế và sức khỏe từ dịch Covid-19” là động lực chính cho mức tăng trưởng kinh tế.
Một định chế tài chính quốc tế khác là WB cũng đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% trong năm 2022. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và dự báo mức 6,7% trong năm 2023. Mức dự báo này trùng với công bố trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2022.
Trong phạm vi toàn châu Á, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 4,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,2% vào hồi tháng 4 năm nay. Theo Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, châu Á cũng không nằm ngoài sự sụt giảm mức tăng trưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam được coi là trường hợp ngoại lệ khi đạt tốc độ tăng trưởng liền trong 3 quý của năm 2022, và dự báo những tháng còn lại của năm nay cũng không có những tác động đột biến.
Về lạm phát, ADB cho rằng Việt Nam sẽ kiềm chế tốt, giữ được ở mức thấp. Trong đó một nguyên nhân quan trọng là do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Vì thế, dự báo mức lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ ở con số 3,8%, thấp hơn mục tiêu do Chính phủ đặt ra là 4%. Tương tự, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng lạm phát trung bình dù tiếp tục dự báo ở dưới mức mục tiêu 4%, nhưng sẽ có thời điểm vượt mức trần này, điều này tạo áp lực lên chính sách tiền tệ, khi lãi suất điều hành cũng đồng thời được dự báo tăng trong nửa cuối năm.
Theo ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam (sau đại dịch Covid-19) đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa khi các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi. “Quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa” - ông Tim Leelahaphan đưa ra nhận định. Còn ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng, GDP quý 3/2022 của Việt Nam sẽ rất ấn tượng khi lên tới hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
“Đã có những hình ảnh và tin tức về người mua xếp hàng để đặt cọc cho các bất động sản họ muốn mua và giá trị hợp đồng ký bán tăng mạnh sẽ được chuyển thành mức doanh thu và lợi nhuận tốt trong trung hạn, khi mà các sản phẩm nhà ở được hoàn thiện và bàn giao cho người mua” - ông Michael Kokalari dẫn chứng về thị trường bất động sản để khẳng định rằng nền kinh tế Việt Nam đang tăng tốc mạnh mẽ.
Trong một nhận xét tổng quát, các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam rất mạnh mẽ do 2 yếu tố chính: Thứ nhất là do mức tiêu thụ nội địa tăng vọt. Thứ hai, xuất khẩu của Việt Nam vẫn gia tăng bất chấp lạm phát tăng cao ở các thị trường nhập khẩu chủ chốt.
Nói như Ngân hàng HSBC thì tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 6,9% với “khả năng đứng đầu toàn khu vực”. Các chuyên gia của ngân hàng này cũng “bày tỏ ngạc nhiên” khi GDP của Việt Nam trong quý 2 tăng trưởng 7,7%, vượt xa những kỳ vọng của thị trường khi chính HSBC từng dự báo ở mức 5,8%). “Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực” - báo cáo HSBC nhận định.
Cho đến cuối tháng 8, tuy có cái nhìn khả quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay nhưng các định chế tài chính quốc tế cũng lên tiếng cảnh báo về những khó khăn có thể gặp phải trong những tháng còn lại của năm. Chuyên gia của Standard Chartered dự báo áp lực giá cả, đặc biệt là giá thực phẩm và nhiên liệu có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.
Một trong những thách thức lớn nhất là xuất khẩu. Hiện Việt Nam đã được xếp vào nhóm 20 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam đang rơi vào lạm phát và suy thoái, số hàng tồn kho nhiều do sức mua giảm, “rất có thể sẽ khiến các nhà nhập khẩu chùn bước”. Cụ thể, tháng 8, kinh tế Mỹ lạm phát 8,4% (trước đó, tháng 7, là 9,1%). Các quốc gia EU lạm phát trung bình 8,6% và vẫn tiếp tục bị áp lực bởi nguồn cung xăng dầu và khí đốt. Vì thế, việc các thị trường này hạn chế nhập khẩu cũng cần được nhìn nhận một cách thực tế.
“7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đó là những con số rất đáng khích lệ. Tuy nhiên có giữ được đà trong những tháng cuối năm hay không lại là câu chuyện khác” - nhận xét từ chuyên gia của WB.