Điện ảnh Việt có đang lạm dụng kịch bản nước ngoài?
Ảnh minh họa
Vì sao dòng phim "remake" thịnh hành tại Việt Nam?
Không thể phủ nhận, dòng phim remake, tức là đem những kịch bản của các bộ phim “ăn khách” tại nước ngoài về Việt Nam đã giúp cho điện ảnh Việt thêm phần sinh động. Từ 10 năm trở lại đây, cả phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình chứng kiến sự xuất hiện, thành công, được yêu thích của hàng loạt bộ phim remake. Trong đó, có không ít tác phẩm được khán giả yêu thích, ghi dấu ấn trong thị trường điện ảnh.
Có thể kể đến những phim remake đã từng gây “bão” các cụm rạp từ nhiều năm trước đây mà đến giờ vẫn còn được nhắc lại như “Em là bà nội của anh”, “Tèo em”, “Bạn gái tôi là sếp”...
Sau thành công của “Em là bà nội của anh”, gần đây, không thể không kể đến hai bộ phim được đánh giá thành công “nhất nhì” làng phim Việt là “Tháng năm rực rỡ” và “Tiệc trăng máu”, đều là phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
“Tháng năm rực rỡ” là một trong những tác phẩm được chuyển thể từ câu chuyện gốc “Sunny” (Hàn Quốc - 2011). Phim đã loại bỏ bớt những nhân vật mờ nhạt trong tác phẩm gốc để tập trung xây dựng và làm nổi bật những nhân vật còn lại. Cách chuyển thể mượt mà, sáng tạo, gần gũi với đời sống Việt, cùng với dàn diễn viên nổi bật thuộc 2 thế hệ điện ảnh Việt, âm nhạc và hình ảnh đầu tư công phu đã khiến phim lay động được cảm xúc người xem.
“Tiệc trăng máu” thì sở hữu dàn diễn viên “gạo cội”, kịch bản xuất sắc, đặc biệt là được “Việt hóa” để thân thuộc với khán giả ngay từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, yêu thích của người xem… Thậm chí khi so sánh với phiên bản remake của Hàn Quốc, nhiều khán giả còn cho rằng phiên bản này xuất sắc và hấp dẫn hơn hẳn. Chính những điều này đã giúp “Tiệc trăng máu” trở thành một hiện tượng phim chiếu rạp, thu về 175 tỉ, lọt top 5 phim Việt có doanh thu cao ngất.
Ở mảng phim truyền hình, có thể chứng kiến sự thành công của hàng loạt phim remake trong những năm qua như phim truyền hình “Người phán xử”, “Nhà trọ Balanha”, “Hương vị tình thân”, “Gạo nếp, gạo tẻ”...
Thành công của các bộ phim remake, trước hết đến từ mức độ mượt mà trong khâu “Việt hóa” kịch bản cho phù hợp với văn hóa, tâm lý Việt. Như “Người phán xử” đã thay đổi đến 50% so với bản gốc của Israel, với nhiều điểm sáng thuộc về lời thoại đậm chất “giang hồ đất Việt” mà cũng giàu chất triết lý. Hay như “Tiệc trăng máu”, khiến khán giả yêu thích không chỉ vì nội dung kịch bản hay mà còn bởi những “mảng miếng” hài tung hứng khéo léo, những trào lưu đang nổi bật của Việt Nam được đưa vào kịch bản một cách hết sức duyên dáng, hợp lý.
Nhiều chuyên gia nhận định, phim remake là “không thể thiếu” trong thị trường điện ảnh Việt. Bởi vấn đề đang gặp phải nhiều năm nay của điện ảnh Việt chính là “thiếu kịch bản hay”. Việc mua lại kịch bản hấp dẫn của những bộ phim “ăn khách” của nước ngoài được coi là một giải pháp tình thế, vừa giải quyết được vấn đề thiếu kịch bản, vừa tương đối “an toàn” hơn bởi bộ phim đã từng thành công tại một thị trường khác. Cạnh đó, những kịch bản remake cũng đem lại những khía cạnh độc đáo, mới lạ cho khán giả Việt thưởng thức.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng sở hữu nhiều dự án phim remake tương đối thành công cho rằng, làm phim remake là trào lưu chung của thế giới nên nhà sản xuất không có gì phải ngại ngần. Ngay cả những kinh đô điện ảnh lớn như Hollywood, Trung Quốc… vẫn làm lại những bộ phim hay của nước khác, cho dù họ không thiếu kịch bản tốt. Còn đối với điện ảnh Việt, nó không chỉ là lối thoát cho cơn bí bách kịch bản mà còn giúp khán giả có thêm món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn.
Có thể thấy, phim remake là một hướng vừa “bắt trend” với thế giới, vừa có thể giải quyết bài toán khó về kịch bản, thuận lợi hơn trong truyền thông và giảm bớt rủi ro. Có lẽ vì thế mà trong những năm gần đây, người ta thấy phim remake ào ào đổ bộ thị trường phim trong nước với hàng loạt phim từ điện ảnh đến truyền hình như “Sắc đẹp ngàn cân”, “Em yêu bất chấp”, “Tìm vợ cho bà”, “Song song”, “Yêu bằng cả trái tim”, “Hậu duệ mặt trời”...
Không phải giải pháp căn cơ
Tuy nhiên, không phải phim remake nào cũng đạt được thành công như mong muốn của đạo diễn. Nếu không muốn nói rằng, tỉ lệ thành công của dòng phim remake này là không cao. Ngoài những cái tên nổi bật đi cùng với thành công về mặt doanh thu như “Tèo em”, “Em là bà nội của anh”, “Tháng năm rực rỡ”, “Tiệc trăng máu”... Có thể thấy, có đến vài chục dự án phim remake được quảng bá, phát hành để rồi nhanh chóng “rơi vào quên lãng”. Có những phim ra rạp chưa bao lâu đã phải rút suất chiếu vì lượng người xem quá thấp, có phim bị xem là “thảm họa”, có phim không để lại dấu ấn gì, nhắc đến khán giả còn bảo “chưa bao giờ nghe qua”.
Thực tế, mua kịch bản nước ngoài cũng chỉ là một trong những giải pháp, chứ không phải “chìa khóa thành công” của điện ảnh Việt. Trong 2 năm gần đây, số lượng không nhỏ phim remake thất bại thảm hại đã cho thấy xu hướng “thoái trào” của dòng phim này. Không như những thời gian đầu, khán giá hào hứng, tò mò xem những bộ phim đình đám tại các thị trường khác sẽ được chuyển thể tại Việt Nam thế nào, thì nay, khán giả cần đến những gì mới mẻ, hay ho và tốt nhất là khai thác được những thế mạnh của văn hóa Việt.
Đồng thời, sự lạm dụng kịch bản từ nước ngoài xuất hiện trong các bộ phim remake đang khiến không ít khán giả ngao ngán. Có những thời điểm như vừa qua, khán giả chứng kiến một lúc vài phim điện ảnh remake ra rạp. Nhiều bộ phim tuy có vẻ chất liệu lạ từ kịch bản nước ngoài, nhưng lại khiến khán giả không hứng thú, thậm chí đôi khi thấy phản cảm vì xem phim Việt mà ngỡ như... nước ngoài bởi cách nói năng, hành xử, ăn mặc, sinh hoạt, lối sống... hoàn toàn không phù hợp văn hóa Việt.
Nhiều chuyên gia điện ảnh khẳng định, remake chỉ là một giải pháp mang tính tức thời, không phải là giải pháp bền vững đối với lĩnh vực phim ảnh nước nhà. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng khá thành công với những phim lấy chất liệu truyền thống Việt thẳng thắn cho biết: “Chất liệu văn hóa Việt còn nhiều, sao ta phải remake kịch bản nước ngoài? Tôi còn tận 10 dự án phim đang xếp hàng sản xuất trong thời gian tới và sẽ đi theo đúng tinh thần truyền tải được văn hóa Việt, sử dụng hoàn toàn kịch bản gốc từ Việt Nam”.
Thực tế, những năm qua, bên cạnh “làn sóng” kịch bản remake, nhiều nhà làm phim Việt vẫn chọn “con đường khó” với những kịch bản thuần Việt, tôn vinh đời sống, văn hóa, vẻ đẹp Việt. Có thể kể đến những bộ phim như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc” (Victor Vũ), “Trạng Tí”, “Cô ba Sài Gòn” (Ngô Thanh Vân), “Kiều” (Mai Thu Huyền), “Song Lang” (Leon Le), “Gái già lắm chiêu” (Trần Nguyễn Bảo Nhân), “Bố già” (Trấn Thành). Cạnh đó, còn có hàng loạt dự án điện ảnh thuần Việt đang rất được quan tâm như “Trưng Vương”, “Đất rừng phương Nam”, “Em và Trịnh”...
Trong số những phim ấy, cũng có những phim được đánh giá cao ở khía cạnh nghệ thuật như “Song Lang”, “Cô ba Sài Gòn”, doanh thu “khủng” như “Bố già”, “Mắt biếc”... Cũng có những bộ phim bị chê hoặc gây tranh cãi, như “Kiều”, “Gái già lắm chiêu”... Tuy nhiên, dù thành công hay không thì những nỗ lực để đem đến một tác phẩm thuần Việt, đưa những nét đẹp văn hóa, con người Việt vào điện ảnh là rất đáng quý.
Một nền điện ảnh vững vàng nên được xây dựng trên nền tảng những tác phẩm mang chất liệu văn hóa, đời sống Việt, gần gũi, thiết thân với người Việt. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.