Điều chỉnh linh hoạt lương hưu để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần
Ngày 27/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Liên quan đến giảm trừ tiền lương hưu do nghỉ hưu sớm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phản ánh, qua thực tế tìm hiểu nguyện vọng của người lao động và ý kiến của nhiều hiệp hội ngành nghề trong quá trình tham gia góp ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đề nghị cần nghiên cứu, kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Đó là, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm, được nghỉ hưu sớm và mỗi năm nghỉ sớm sẽ bị trừ 1%.
Theo đại biểu Thanh, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động nghỉ hưu sớm với thời gian sớm tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu (theo lộ trình quy định tại Bộ Luật lao động, nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035) và đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội đối với nữ và 32 năm đối với nam thì được nghỉ hưu và hưởng mức tối đa 75% và bổ sung quy định hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu sớm, không bị trừ 2% lương hưu mỗi năm do nghỉ hưu sớm.
Theo đó, nếu từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 31 trở đi đối với nữ và 33 trở đi đối với nam, thì cứ tăng thêm 1 năm đóng bảo hiểm xã hội được hoán đổi 1 năm nghỉ trước tuổi.
Ông Thanh lý giải, kiến nghị này xuất phát từ thực tiễn, hàng trăm nghìn công nhân trên 50-55 tuổi, sau nhiều năm trực tiếp đứng xưởng sản xuất, sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động trẻ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nên cũng cho một bộ phận lao động nghỉ việc ở tuổi 45-50.
“Điều chỉnh linh hoạt như vậy, thì mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế rút bảo hiểm một lần ở những người đã có 20-25 năm đóng bảo hiểm xã hội, do thời gian chờ hưởng lương hưu quá dài như hiện nay, thì đa số công nhân lao động khó có thể tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đạt độ tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ”, ông Thanh giải thích.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị quy định theo hướng tách thành hai trường hợp để người lao động có thể lựa chọn. Cụ thể là: Trường hợp người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần, mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn được tính như quy định tại khoản 2 Điều 72.
Trường hợp người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội một lần cao hơn 35 năm đối với nam và 30 năm đối với lao động nữ nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu, theo quy định người lao động có thể được hoán đổi số năm đóng bảo hiểm cao hơn trong việc giảm tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Cũng về lương hưu, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) góp ý về quy định giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm tại Điều 68 của dự thảo luật.
Theo đại biểu, Chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là phù hợp với thực tế. Khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã không còn quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất như quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
“Đây là điều nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại, có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống”, nữ đại biểu Hà Giang phát biểu.