Điều kiện nào để ROS, FLC được giao dịch trở lại?
Trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến làm giá, thao túng, lừa đảo của FLC sẽ được làm rõ
Ngày 6/9, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, trả lời về việc làm giá chứng khoán, thao túng, lừa đảo của lãnh đạo FLC đã gây nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán thời gian qua. Vậy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là của Ủy ban Chứng khoán khi để xảy ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty FLC vừa bị khởi tố?, cần làm gì để tránh xảy ra các sai phạm tương tự, như trường hợp này, vốn điều lệ được nâng khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phần, sau đó toàn bộ số cổ phần này được bán ra thu về 6.400 tỷ đồng và bài học gì rút ra từ vụ này?, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đã trao đổi với cơ quan Công an. Theo đó, những công việc đang trong quá trình điều tra vụ án để cho cơ quan Công an tiến hành điều tra. Khi có kết luận điều tra sẽ công bố, công khai, lúc đó sẽ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, kể cả tập thể cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Bộ Công an để có thể thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra vụ án.
“Làm gì để phòng ngừa hiện tượng lửa đảo hoặc các hiện tượng tương tự như thế thì ngày 5/9 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 02 chỉ đạo một loạt các giải pháp để có giải pháp cụ thể phòng ngừa và chấn chỉnh thị trường chứng khán từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn doanh nghiệp, giám sát các thành viên thị trường và giám sát các giao dịch chứng khoán”-ông Chi cho hay.
Trả lời về dư luận quan tâm là quyền lợi của nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC ra sao khi cổ phiếu ROS đã bị huỷ giao dịch, còn FLC sẽ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9? điều kiện nào để ROS, FLC được giao dịch trở lại?, ông Chi cho biết, những cổ phiếu, doanh nghiệp vi phạm dẫn đến không đủ điều kiện để niêm yết, giao dịch nữa, huỷ giao dịch, hạn chế giao dịch, phong toả thì khi nào những doanh nghiệp này khắc phục vi phạm thì sẽ được quay trở lại theo quy định của pháp luât. Cụ thể, FLC cần có báo cáo kiểm toán năm 2021, và 6 tháng đầu năm 2022 theo quy định. Thứ hai là tổ chức Đại hội cổ đông theo quy định.
“Đối với cổ phiếu ROS vì không có báo cáo kiểm toán cũng như không Đại hội cổ đông dẫn tới huỷ niêm yết. Khi nào các doanh nghiệp này khắc phục được những vi phạm, và có nguyện vọng đăng ký trở lại thì Uỷ ban chứng khoán sẽ chấp nhận. Quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng thế nào thì khi huỷ giao dịch tất nhiên quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, không buôn bán được trên thị trường.
Nhưng với trách nhiệm vì mình sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp này, mình là cổ đông của các doanh nghiệp này thì các nhà đầu tư phải có ý kiến, phải có quyết sách ở Đại hội cổ đông của doanh nghiệp này, yêu cầu Ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm đó sớm nhất để quay trở lại đưa cổ phiếu niêm yết trở lại trên thị trường chứng khoán. Lúc đó quyền lợi của nhà đầu tư sẽ trở lại được đảm bảo”-ông Chi nói thêm.
Trả lời thêm về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là của Ủy ban Chứng khoán khi để xảy ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty FLC vừa bị khởi tố?, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn Phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, án tại hồ sơ, không bỏ sót tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Do vậy cá nhân hay tổ chức vi này phạm pháp luật thì không thể suy diễn cá nhân, tổ chức khác cũng vi phạm và phải bị xử lý pháp luật.
Gốc rễ là hạn chế để giá xăng dầu tăng cao
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Chi cho biết, quỹ là công cụ để “giảm chấn” trong trường hợp giá tăng sốc hoặc giảm mạnh, điều hòa giá xăng dầu trong nước. Từ việc sử dụng công cụ điều hành này, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm. “Quỹ này cũng không cho ngân sách và không cho bất kỳ ai, chỉ phục vụ điều hành, điều hòa giá xăng dầu trong nước”-ông Chi nói.
Về việc Bộ Tài chính đang soạn thảo Luật Giá, trong đó có phương án bỏ các loại quỹ như quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Chi cho rằng, Bộ đưa ra các phương án để xem xét, đánh giá. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án có lợi nhất.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, hiện nay công tác điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Về Quỹ Bình ổn xăng dầu thì quỹ là khi cần thì trích hoặc chi, trong đó quan trọng nhất là trích và lúc nào và chi vào lúc nào. Có những lúc phải chi liên tục để giảm giá xăng dầu, giảm bớt sự biến động của kỳ điều hành.
Theo ông Hải, nếu giá xăng dầu tăng, các mặt hàng khác tăng, nhưng khi xăng dầu giảm thì các mặt hàng khác lại không giảm, do đó phải giải quyết vấn đề gốc rễ là hạn chế để giá xăng dầu tăng cao. “Hầu như các nước giá dầu cao hơn giá xăng; còn ở Việt Nam, lần đầu tiên trong kỳ điều hành ngày 5-9 vừa qua, giá dầu mới cao hơn giá xăng.