Định vị và nâng tầm thương hiệu hàng Việt
Theo các chuyên gia, để doanh nghiệp phát triển, để nâng tầm thương hiệu hàng hóa Việt Nam, trước tiên phải nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tiếp cận chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường quốc tế
Về cơ hội, Việt Nam đã và đang thực thi 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cùng nhiều Hiệp định về kinh tế, thương mại, đầu tư khác. Nhờ vậy mà Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới, bảo đảm cho kết nối thương mại tự do, ưu đãi cao với trên 60 nền kinh tế, đồng thời tạo động lực mới và cả “sức ép” mới để thúc đẩy mạnh mẽ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước được cải cách theo hướng ngày càng minh bạch, thông thoáng hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế cao của khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu cần đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật. Ảnh: Lê Thanh Hà
Đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư, tiếp cận và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế.
Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Việt cũng đứng trước nhiều thách thức. Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc, nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.
Không những vậy, Việt Nam hiện tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp; trong đó, nhóm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại; 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ chiếm tới 60%; 4 tập đoàn hàng đầu Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại của Viêt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững), tình hình trên có thể được cải thiện khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới FTA. Với 15 FTA đã ký kết và thực thi, thị trường cung ứng nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra được mở rộng hơn, các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ phong phú đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước đối tác FTA.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc liên doanh, liên kết, tham gia với các doanh nghiệp FDI trong chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu. Hiện nay đã có hàng trăm doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp phụ trợ, cung cấp nhân sự cũng như nguyên liệu cho đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước cung ứng các sản phẩm điện tử dân dụng, dịch vụ lắp ráp điện tử, bo mạch điện tử, cao su và nhựa, các sản phẩm hỗ trợ trong các ngành công nghiệp...
Đưa ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng mở rộng thị trường quốc tế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh cho biết: Thứ nhất, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và cam kết trong các FTA nói riêng, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, từ đó tận dụng tốt ưu đãi trong các FTA.
Thứ hai là nắm rõ đặc điểm thị trường quốc tế. Để thâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần nắm rõ đặc điểm của từng thị trường (chính sách xuất nhập khẩu của từng nước, các quy định bắt buộc hoặc được khuyến khích) đối với hàng nhập khẩu như quy định về kiểm dịch động thực vật, các tiêu chuẩn kỹ thuật và xu hướng tiêu dùng của thị trường. Thứ ba là nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu cần đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; gắn với việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu.
Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cần gia tăng giá trị nội địa trong hàng hóa xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao; nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra những cơ hội và cả thách thức cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường quốc tế. Để đạt được thành công, cần sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp trên cơ sở chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi cho doanh nghiệp.