Israel lên kế hoạch cho 'trận đánh cuối cùng' ở Rafah như thế nào?
Ông Avi Melamed, cựu quan chức tình báo Israel và là nhà đàm phán trong các cuộc nổi dậy của Palestine trong những năm 1980 và 2000, cho biết chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ít khả năng chú ý đến những kêu gọi từ quốc tế về việc ngừng tấn công Rafah. "Rafah là pháo đài cuối cùng dưới sự kiểm soát của Hamas", ông nói thêm.
Hai quan chức Israel giấu tên cho biết các chỉ huy quân sự tin rằng Israel có thể gây tổn hại đáng kể đến lực lượng còn lại của Hamas trong 6 - 8 tuần tới, mở đường cho việc chuyển sang giai đoạn cường độ thấp hơn và các cuộc không kích có chủ đích hơn.
Khó "quét sạch" Hamas
Trước đó hôm thứ Sáu (16/2), Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang lên kế hoạch nhằm vào các chiến binh, trung tâm chỉ huy và đường hầm của Hamas ở Rafah, mặc dù không đưa ra mốc thời gian cho chiến dịch.
Ông nhấn mạnh rằng các biện pháp đặc biệt đang được triển khai để tránh thương vong cho dân thường. Trong một cuộc họp báo, ông cho biết: "Có 24 tiểu đoàn khu vực ở Gaza. Chúng tôi đã giải tán 18 tiểu đoàn trong số đó".
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo thế giới lo ngại về một thảm họa nhân đạo, bởi khoảng gần 1,5 triệu dân thường Palestine vẫn đang mắc kẹt ở Rafah. Họ không còn nơi nào để chạy trốn sau khi đã chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của Israel từ các nơi khác ở Gaza.
Trong một tuần căng thẳng ngoại giao cao độ vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hai lần gọi điện cho nhà lãnh đạo Israel để cảnh báo ông không nên tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah mà không có kế hoạch đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho dân thường.
Về phía Israel, Thủ tướng Netanyahu cho biết dân thường sẽ được phép rời khỏi khu vực chiến sự trước cuộc tấn công, nhưng IDF chưa giải thích cách họ sẽ di tản hơn 1 triệu người trong đống đổ nát của khu vực này.
Theo một nguồn tin an ninh Israel, người dân Palestine có thể được sàng lọc để loại bỏ bất kỳ chiến binh Hamas nào trước khi được đưa lên phía bắc Gaza.
Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Israel cho biết người Palestine sẽ không được phép ồ ạt quay trở lại phía bắc Gaza, bởi sẽ không an toàn nếu một số lượng lớn người dân di chuyển đến khu vực phía bắc không có điện và nước sinh hoạt, cũng chưa được dọn sạch bom mìn chưa nổ.
Theo Hamas, chiến thắng toàn diện mà ông Netanyahu hứa hẹn sẽ không xảy ra nhanh chóng hay dễ dàng. Một quan chức giấu tên cho biết nhóm từng cai trị ở Gaza này có thể tiếp tục chiến đấu và chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Rafah và Gaza.
"Các lựa chọn của ông Netanyahu rất khó khăn và chúng tôi cũng vậy. Ông ấy có thể chiếm Gaza nhưng Hamas vẫn đứng vững và chiến đấu. Ông ấy chưa đạt được mục tiêu của mình là tiêu diệt các lãnh đạo Hamas hoặc tiêu diệt Hamas", người này nói thêm.
"Không còn chỗ trống ở Rafah"
Phần lớn Gaza đã bị Israel biến thành đống đổ nát. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở thành phố Khan Younis phía nam, với các cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn nổ ra ở các khu vực phía bắc.
Hơn 85% trong số 2,3 triệu dân của Gaza bị mất nhà cửa. Hầu hết những người sơ tán đã tìm nơi trú ẩn ở Rafah, nơi có dân số khoảng 300.000 người trước xung đột.
Ông Emad Joudat (55 tuổi), một trong những người đầu tiên cùng gia đình chạy trốn khỏi Dải Gaza đến Rafah, cho biết: "Không còn chỗ trống ở Rafah, hơn một triệu rưỡi người đang ở đây. Thế giới có biết điều đó không? Một cuộc tàn sát sẽ diễn ra nếu xe tăng tiến vào".
Ông bố 5 con sống trong một lều trại không có thức ăn và nước uống ở Rafah cho biết bản thân là trụ cột của gia đình. "Tôi cảm thấy bất lực vì không biết phải đi đâu cùng các con nếu Israel tiến hành tấn công", ông nói.
Ai Cập đã phong tỏa biên giới với vùng đất này, nhấn mạnh sự phản đối về việc di dời người Palestine khỏi Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant cho biết Israel không có ý định sơ tán thường dân Palestine sang Ai Cập.