1. Trang chủ /
  2. Kết hợp chặt chẽ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Kết hợp chặt chẽ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

thứ tư, 11/10/2023 23:17 GMT+07
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã góp phần quan trọng định hình chiến lược tổng thể bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động như hiện nay.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An phối hợp cùng dân quân tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh: bienphong.com.vn) Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An phối hợp cùng dân quân tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh: bienphong.com.vn)

6 nhiệm vụ, giải pháp

Chiến lược BVTQ là chiến lược quốc gia bao trùm về nhiệm vụ BVTQ; cơ sở quan trọng để xây dựng các chiến lược quốc gia chuyên ngành: chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại,… các chiến lược chuyên ngành về nhiệm vụ BVTQ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới” được xem như 1 trong 2 chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và BVTQ.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và sau này là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã đánh giá một cách đúng đắn, khách quan tình hình thế giới, khu vực, đất nước; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, trong đó nêu rõ quan điểm nhất quán, khoa học về xác định đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết cũng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp gồm: nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm QPAN, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh có sức chiến đấu cao; triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 BCHTW Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, BCHTW Đảng nhất trí cao cho rằng: Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược BVTQ trong tình hình mới vừa qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay và sắp tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước có độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế như nước ta.

Các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác. Nhiều “điểm nóng” về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới. Khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng... đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia. Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động nhưng sẽ trở thành trọng điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn.

Ở trong nước, 4 nguy cơ mà Đảng từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ còn diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu - nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng. Trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm và trong một số nhóm đối tượng còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định.

Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ lớn luôn luôn có thể xảy ra. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.

“Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng này. Luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ; dựa vào dân, lấy “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên quyết, kiên trì, chủ động tạo lập thời cơ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ. Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.