Kết luận về các vụ ngộ độc botulinum ở TP.HCM
Theo đó, trường hợp thứ nhất là ông P.V.H (45 tuổi) ở phường Cát Lái khi ăn một số món như bánh ướt, chả lụa, mắm kho... Sau đó ông H. xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt, không tỉnh táo và được nhập viện ngày 15/5. Bệnh nhân này tử vong sau gần 10 ngày điều trị tại Bệnh viện nhân dân Gia Định.
Trường hợp thứ hai là hai anh em L.N.T (18 tuổi) và L.N.T (26 tuổi), mua chả lụa ăn với bánh mỳ, đến ngày hôm sau thì cả hai người cùng bị ngộ độc, phải nhập viện. Hai anh em này đã được hỗ trợ chuyển viện về Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang tiếp tục trị liệu.
Tuy nhiên, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, căn cứ theo Quyết định 39 của Bộ Y tế về quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm, các trường hợp trên không đủ cơ sở để kết luận là ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhỏ bị ngộ độc. Nguồn: Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trường hợp thứ ba gồm bốn người là bà N.T.H (71 tuổi), em N.V.H (14 tuổi), em N.V.Đ (13 tuổi), em N.T.X (10 tuổi) ở phường Long Thạnh Mỹ. Vào ngày 13/5, cả 4 người này dùng chung món chả lụa và bánh mì để ăn sáng. Tối cùng ngày, bà H. xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, nhức đầu, buồn nôn... nhưng đã tự mua thuốc uống và tự khỏi.
Đến ngày 14/5, các bé H., Đ., X. xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy. Tối cùng ngày, các bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị, các bác sĩ chẩn đoán các trường hợp này bị ngộ độc do độc tố botulinum.
Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kết luận các nạn nhân ở trường hợp thứ ba bị ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, thức ăn nguyên nhân là bánh mì và chả lụa.
Trước đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm bánh mì còn sót lại tại nhà của trường hợp thứ ba, nhưng không phát hiện botulinum. Riêng món chả lụa do các bệnh nhân đã dùng hết nên cơ quan chức năng không tiến hành lấy mẫu.
Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở sản xuất chả lụa ở phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức mà các bệnh nhân ở trường hợp thứ ba đã sử dụng, tuy nhiên sản phẩm chả lụa sản xuất ngày 13/5 không còn, nên cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu sản xuất ngày 17/5. Kết quả kiểm nghiệm âm tính với botulinum.
Trước các vụ việc nêu trên, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Thủ Đức đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm xử lý vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở sản xuất chả ở phường Trường Thọ. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cập nhật danh sách người kinh doanh không có địa điểm cố định, hàng rong, thức ăn đường phố để có biện pháp chấn chỉnh, quản lý an toàn thực phẩm.
Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức tăng cường các bài phát thanh tuyên truyền về tác hại của độc tố Clostridium botulinum; tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho người dân, các mối nguy hại khi sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trôi nổi trên thị trường.
Từng thiếu thuốc điều trị ngộ độc do Botulinum
Vào tháng 5/2023 tại TP.HCM xảy ra tình trạng thiếu một số loại thuốc hiếm trong đó có thuôc điều trị các trường hợp ngộ độc botulinum vừa xảy ra. Để kịp thời có thuốc cho các bệnh nhân ngộ độc botulinum, vào tối 24/5, chuyến bay chở đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mang theo 6 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố Botulinum đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM. Đây là loại thuốc rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất và có giá lên đến 8.000 USD/lọ.