Khả năng cắt lỗ của các hãng bay Việt năm 2023 vẫn còn mong manh
Trong bối cảnh còn nhiều rủi ro bất định (dịch bệnh, địa chính trị, du lịch quốc tế phục hồi chậm, giá nhiên liệu và lãi suất còn cao…), các hãng bay Việt vẫn đối diện với nhiều khó khăn thách thức và khả năng cắt lỗ trong năm 2023 còn mong manh, nên cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước.
Giai đoạn chạy đà và kỳ vọng tăng trưởng trở lại
Tại buổi Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) tổ chức vào chiều 24/2, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết dù Việt Nam đã mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng thực sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng về du lịch và hàng không.
Ông Quân chỉ ra nguyên nhân các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở cửa rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản (người dân e ngại đi du lịch nước ngoài, chọn đi trong nước vì lý do an toàn và xuất phát yếu tố thu nhập),… Trong khi doanh thu từ thị trường hàng không từ Trung Quốc chiếm 30% tổng thị trường vẫn đang đóng băng.
Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy, tốc độ phục hồi hàng không giữa các khu vực không đồng đều, riêng châu Á-Thái Bình Dương là chậm nhất so với các khu vực khác. Dự kiến lạc quan thị trường hàng không cuối 2024 mới phục hồi so với trước dịch (năm 2019).
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển khi có thị trường nội địa có tiềm năng và có cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn.
“Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn ‘chạy đà’ trở lại để mau chóng phục hồi các hoạt động trên thị trường quốc tế khi các giãn cách được xóa bỏ,” ông Nề nhận định.
Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết việc mở lại thị trường vận tải hàng không năm 2022 đã giúp doanh thu vận tải hành khách phục hồi nhanh chóng, tuy nhiên, tốc độ phục hồi ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ và lộ trình mở cửa rộng rãi của Trung Quốc và một số quốc gia khác. Do đó, ông kỳ vọng việc nối lại hoạt động du lịch, đi lại bằng đường hàng không sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu toàn ngành năm 2023.
Mặt khác, ông Lực cũng chỉ ra cơ hội trước mắt với hãng bay Việt khi năm 2023 triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt (dự báo ở mức 6-6,5%, so với thế giới khoảng 2%); lượng khách du lịch dự báo sẽ phục hồi trở lại mức trước dịch; nhu cầu về vận tải hàng hóa tăng cao; giá nhiên liệu dự báo sẽ giảm so với năm 2022; tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam cơ bản ổn định; về trung và dài hạn, ngành hàng không có nhiều tiềm năng phát triển… được kỳ vọng hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn trong năm 2023.
Vẫn cần bệ đỡ chính sách từ Nhà nước
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, ông Lực chỉ ra những khó khăn mà hãng bay đối mặt như giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng cao; lạm phát toàn cầu tăng mạnh khiến hầu hết các hãng hàng không đều bị thua lỗ và thực hiện cắt giảm các khoản chi phí, đàm phán giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết; cắt giảm lao động, tổ chức lại bộ máy, tái cơ cấu... Một số doanh nghiệp đã cải thiện được dòng tiền nhưng gặp nhiều rủi ro phát sinh nợ xấu do chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
“Trong bối cảnh còn nhiều rủi ro bất định (dịch bệnh, địa chính trị, du lịch quốc tế phục hồi chậm, giá nhiên liệu và lãi suất còn cao…), khả năng cắt lỗ trong năm 2023 còn mong manh, rất cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước,” Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nói.
Đề xuất về những giải pháp của Nhà nước đối với ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Bùi Doãn Nề cho rằng Nhà nước có những chính sách tích cực nhằm phát triển ngành hàng không ở Việt Nam, tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng bay có điều kiện thuận lợi trong việc thâm nhập và khai thác thị trường này.
Đánh giá việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất; giãn hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không… như năm 2022 là cần thiết, theo ông Lực, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, đảm bảo hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu…
“Ngoài ra, do thị trường hàng không Việt ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nên việc dùng các biện pháp hành chính như áp giá trần, giá sàn hay đưa quy định về giá, phí vào Luật giá sửa đổi cần phải hết sức cân nhắc, hạn chế can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực này. Và đáp lại, các doanh nghiệp hàng không cần trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn nữa,” ông Lực khuyến nghị.
Nhiều đại diện tại buổi tọa đàm cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hãng hàng không nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền; gia tăng mức miễn giảm cho các chính sách hiện hữu như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng hiện tại về mức 0 đồng, miễn giảm giá dịch vụ đã từng được áp dụng như giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh, điều hành bay,… với thời gian áp dụng đến hết 2025 để các chính sách trên thực sự mang lại sự hỗ trợ hiệu quả cho các hãng hàng không./.
Theo báo cáo Cục Hàng không, dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022; tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa so với trước dịch COVID-19.