Khai phá tiềm năng nông nghiệp hữu cơ vùng núi phía Bắc - Bài 1: Những người tiên phong
Từ đó, nhiều vùng nguyên liệu hữu cơ hình thành, sản phẩm hữu cơ của người Việt lần lượt đến được các thị trường khó tính nhất thế giới. Người nông dân vùng núi không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà còn có cơ hội làm giàu trên chính quê hương mình - nơi vốn là những vùng đất khô, đất khát.
Hai người trẻ đã có 10 năm thanh xuân ý nghĩa nhất khi quyết định lên núi, tìm đến từng hộ gia đình thuyết phục người nông dân vùng cao “làm cùng mình”, để cùng xây dựng được những vùng nguyên liệu hữu cơ, tạo ra những sản phẩm đạt được những chứng nhận “khó nhằn” nhất thế giới.
Lựa chọn việc khó
Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc Công ty CP Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) và Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (Dace) đều đang có những công việc ổn định với mức lương mơ ước ở Hà Nội khi mới ngoài 20 tuổi. Nhưng như một định mệnh, họ đều tìm cách… lên núi và nung nấu trong mình những dự định - mà khi chia sẻ với người thân, bạn bè thời điểm bấy giờ, câu bình luận mà họ nhận được thường là “điên rồi”.
Huyền “bén duyên” với quế hồi từ năm 2010 khi mới 21 tuổi. Cô đã từng “trắng tay” với quế hồi trong năm đầu tiên gắn bó. Nhưng như bị cây quế “hút hồn”, năm 2012, Huyền cùng cộng sự chính thức thành lập Vinasamex và năm 2013 thì quyết định chuyển hướng “theo thị trường cao cấp và xây dựng chuỗi giá trị”. Quyết định này là một sự thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh và là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Bởi trước đó, Vinasamex đã có thương hiệu khi bán sang thị trường Ấn Độ và bán rất dễ dàng với những container mang trọng lượng hàng tấn.
“Rất nhiều người nói tôi bị điên, nhất là những người cùng ngành nghề kinh doanh. Họ bảo xuất khẩu đi Ấn Độ đang có thương hiệu như thế, khách hàng khen như vậy lại tự nhiên ngừng bán, đi “vẽ trò làm hữu cơ”, đào tạo người nông dân” - Huyền kể lại. Chưa kể, thời điểm ấy, khái niệm hữu cơ còn quá mới mẻ ở Việt Nam, tài liệu cũng không có sẵn. Những tiêu chí mà khách hàng gửi để tham khảo Huyền vẫn chưa hiểu hết, vẫn chưa mường tượng được “đó là những thứ gì”.
Trần Văn Hiếu (SN 1986) lại gặp thuận lợi hơn khi xuất thân vốn là một kỹ sư nông nghiệp, học chuyên ngành phát triển vùng trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cộng thêm việc sau khi ra trường Hiếu tham gia làm việc cho các dự án của nước ngoài tại khu vực miền núi.
Trong thời gian này (2009 - 2013), Hiếu nhận thấy các tỉnh vùng núi phía Bắc có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm đặc hữu có chất lượng tốt. Thời điểm đó nhóm dự án của Hiếu bắt đầu phát triển loại cây gia vị và gừng được lựa chọn để thử nghiệm đầu tiên. Mang thành quả đi phân tích, đánh giá chất lượng và tìm kiếm thị trường cho gừng, Hiếu không ngờ lại được thị trường Trung Đông đánh giá rất cao. Hiếu quyết tâm nghỉ công việc ở các dự án thuộc các tổ chức phi chính phủ, thành lập Dace ngay trong năm 2013 để có thể đi một con đường của riêng mình.
Chặng đường dài thuyết phục người nông dân
Lựa chọn phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng) với diện tích ít ỏi 5ha, dù đã ít nhiều gắn bó với những người dân tộc sống trên vùng đất này trong vài năm nhưng Hiếu cũng không ngờ, thuyết phục người nông dân “làm cùng mình, theo cách của mình” lại khó khăn đến thế.
Ban đầu người dân không đồng ý làm dù chính quyền địa phương cũng lên tiếng ủng hộ hướng đi của Dace. Thậm chí, Hiếu đã mời cả một số hộ dân đã đồng ý canh tác theo hướng hữu cơ nói chuyện với các gia đình nhưng cũng không thuyết phục được. “Chỉ đến khi “uống rượu say sưa cùng họ, dốc bầu tâm sự cùng họ” thì mới có thêm một vài hộ đồng ý nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng rồi vì từ đây mình đã có thể từng bước đồng hành với người nông dân” - Hiếu kể lại.
Bước ngoặt của Hiếu và Dace đến vào cuối năm 2015 - khi Dace bắt đầu thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gừng của các hộ đã đồng ý thử nghiệm. Thời gian thu mua kéo dài gần 1 tháng. Ngày 27 Tết, chứng kiến bà con ở các vùng sâu khu vực giáp biên không bán được gừng, không có tiền để chuẩn bị Tết, Dace quyết định thu mua hết gừng cho họ với giá mua bằng với giá gừng hữu cơ. Tiếng lành vang xa, bà con kéo nhau ra ven đường để bán gừng cho Dace. Công ty đã phải đổi một chiếc xe tải to hơn, đi dọc vùng ven giáp biên để thu mua gừng cho bà con.
“Chỉ đến khi “uống rượu say sưa cùng họ, dốc bầu tâm sự cùng họ” thì mới có thêm một vài hộ đồng ý làm cùng nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng rồi vì từ đây mình đã có thể từng bước đồng hành với người nông dân” - Giám đốc Dace Trần Văn Hiếu.
Hiếu chia sẻ: “Lúc ấy thực sự chỉ nghĩ rất thương bà con. Mỗi nhà chỉ có vài bao gừng thôi nhưng cũng là cả gia tài của họ. Nếu mình không mua thì họ không biết bán cho ai và để lâu cũng sẽ hỏng”. Đó cũng là lúc mà người nông dân ở vùng cao nhận ra rằng liên kết với công ty cũng rất tốt, họ sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho mình và không bị “dìm giá”. Cùng với đó, Dace cam kết rủi ro cùng chịu, có lợi nhuận thì chia sẻ một cách công bằng với người dân. Và vùng nguyên liệu gừng hữu cơ bắt đầu được mở rộng trong giai đoạn 2016 - 2018.
Ngày quyết định chuyển đổi trồng quế hữu cơ, Huyền đã lục tung các vùng trồng quế của Yên Bái. Đi từng nhà một, vừa thuyết phục người nông dân, vừa gặp những người đang phụ trách thu mua, để mời họ vào trong chuỗi giá trị của Vinasamex. Rồi đi gặp từng hộ nông dân để tìm hiểu, để hỏi về vùng nguyên liệu. Người nông dân vẫn tiếp chuyện, thoải mái trả lời câu hỏi nhưng đến lúc Huyền đề cập đến câu chuyện cùng hợp tác, ký hợp đồng làm theo chuỗi hữu cơ thì họ lại e dè.
“Có những người nông dân không ngần ngại hỏi chúng tôi, tại sao phải theo doanh nghiệp. Một doanh nghiệp từ Hà Nội đến đây liệu có đủ trình độ hay có đủ kiến thức, có đủ hiểu cây quế không mà dạy cho chúng tôi trồng cây” - Tổng Giám đốc Vinasamex Nguyễn Thị Huyền
Bởi người nông dân ở Trấn Yên (Yên Bái) vốn nhiều đời gắn bó với cây quế. Của hồi môn của mỗi gia đình cũng chính là những đồi quế với phương thức canh tác truyền thống, kỹ thuật canh tác truyền từ đời này đến đời sau. “Có những người nông dân không ngần ngại hỏi chúng tôi, tại sao phải theo doanh nghiệp. Một doanh nghiệp từ Hà Nội đến đây liệu có đủ trình độ hay có đủ kiến thức, có đủ hiểu cây quế không mà dạy cho chúng tôi trồng cây” - Huyền kể.
Phải mất rất nhiều thời gian kiên trì vận động, cùng với sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương, Vinasamex mới xây dựng được vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau khi thay đổi hướng đi, đơn hàng đầu tiên Vinasamex xuất khẩu chỉ được 100kg sản phẩm hữu cơ thay vì hàng tấn hàng hoá như trước đó. Đơn hàng quá nhỏ nhoi so với kỳ vọng. Nhưng Huyền vẫn vững tin vào lựa chọn của mình, kiên trì với con đường vốn đã xác định là rất khó khăn ngay từ ban đầu. Bởi việc khó nhất “đưa hàng nghìn hộ nông dân vào chuỗi, ký hợp đồng với mình”, cô đã làm được.
(còn nữa)