Khám phá "miền Tây thu nhỏ" của vùng đất xứ Đông
Trái ngon nức tiếng của người 'Xứ Đông'
Quả vải thiều ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương từ bao đời nay như món ăn quá đỗi quen thuộc của người dân trong mỗi dịp Hè về. Không chỉ người dân 'xứ Đông' khi thưởng thức món ăn nổi tiếng này, mà nhiều du khách trên khắp cả nước cũng bị chinh phục bởi vị ngọt, hương thơm từ quả vải thiều truyền thống. Mỗi năm đến vụ, ngày càng có nhiều người tìm mua vải Thanh Hà như một món quà quý để biếu, tặng và thưởng thức. Hàng chục tấn vải thiều cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài...
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm vải thiều, nhiều hộ dân ở Thanh Hà đã chủ động thay đổi phương thức, mở rộng quy mô nông nghiệp. Đi đầu trong việc thay đổi mô hình nông nghiệp vải thiều Thanh Hà là mô hình Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn của gia đình chị Phạm Thị Liêm (44 tuổi, Thanh Khê, huyện Thanh Hà, Hải Dương), với diện tích rộng khoảng 2,7 mẫu. Đây là khu du lịch sinh thái được nhiều người dân biết đến bởi cách làm hay từ sản phẩm truyền thống địa phương.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, chị Phạm Thị Liêm cho biết, khu vườn vải thiều này được vợ chồng chị dồn điền đổi thửa từ năm 2009. Ban đầu, vợ chồng chị mở rộng diện tích trồng vải thiều với mục đích trồng cây bán trái như các hộ dân khác trong vùng.
Đến năm 2015, chị nhen nhóm ý định làm du lịch sinh thái từ cây vải thiều. Từ đó, vợ chồng chị bắt đầu quy hoạch, tạo cảnh quan cho vườn. Vải được trồng thành theo hàng, giữa mỗi hàng cây là con kênh nước nhỏ có hoa sen, hoa súng... Lối vào vườn được bê tông hoá thuận tiện cho khách tham quan, thưởng thức trái vải.
Đến năm 2018, huyện Thanh Hà công nhận tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn - nơi có vườn vải của gia đình chị Phạm Thị Liêm. Sau đó, vườn vải bắt đầu đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Mục đích ban đầu chỉ là làm thử nghiệm nên vợ chồng chị cho khách vào tham quan miễn phí, không thu tiền. Vừa làm, chị vừa học hỏi kinh nghiệm.
"Đến mùa vải 2022, khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn mới chính thức mở cửa cho khách vào tham quan, trải nghiệm hái vải tươi ăn có thu phí”, chị Liêm cho biết. Theo đó, giá vé 30.000 đồng/người/lượt áp dụng cho khách chỉ vào vườn check-in, chụp ảnh. Còn khách vào tham quan vườn, hái vải ăn tại chỗ thì giá vé là 50.000 đồng/người/lượt".
Trước kia, khi chưa mở Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, gia đình chị Liêm có một đại lý bán hàng, kết hợp với làm vườn (nghề vải là nghề cha truyền con nối) - truyền thống trồng vải. "Vì đam mê làm vải thiều nên gia đình chị nuôi được 2 con ăn học (1 con bên Phần Lan, 1 con bên Hàn Quốc)" - chị Liêm tâm sự.
Tính đến nay, vợ chồng chị Liêm đã làm dịch vụ du lịch được 5 năm. Thời gian đầu mới mở gặp vô vàn khó khăn về kinh tế và tư tưởng, thậm chí có thời điểm không có một ai biết đến. Bằng sự đam mê và tính kiên trì, nên hiện tại mỗi khi đến mùa vải lại có rất đông người dân, du khách đến tham quan trải nghiệm. "Khách trong TP HCM, Đà Nẵng, trong miền Tây hay các tỉnh phía Bắc... tới vườn theo đoàn rất nhiều. Đặc biệt là khách phía Nam, bởi trong đó không trồng được cây vải thiều nên họ thích tới tận vườn trải nghiệm, hái những trái vải tươi ngon thưởng thức luôn tại chỗ", chị Liêm cho biết thêm.
Vào mùa vải thiều chín, nhất là vào những ngày cuối tuần thì lượng khách đổ về rất nhiều. Chị Liêm tiết lộ có thời điểm đông nhất từ 300 đến 500 lượt khách trong một ngày.
Để duy trì mô hình du lịch sinh thái này, chị Liêm và chồng mình đã có những phương án để mở rộng diện tích, đẩy mạnh hơn quy mô du lịch. "Việc đầu tiên là chúng tôi lan tỏa bằng cách truyền thông nhiều về loại hình du lịch sinh thái, để bạn bè và du khách khắp cả nước biết đến trái vải Thanh Hà không chỉ ngon và còn đảm bảo về an toàn thực phẩm, chất lượng. Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chúng tôi và vải thiều Thanh Hà sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế".
Mang vải thiều Thanh Hà tới mọi nhà
Không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều người dân tại xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà (TP Hải Dương), khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn của vợ chồng chị Liêm ở hiện tại đang được nhiều người biết đến. Bởi, khi đến đây du khách không chỉ trực tiếp được trải nghiệm, thưởng thức những trái vải thơm ngon, mà còn có dịp được khám phá mô hình nông nghiệp đầy sáng tạo của những người nông dân miền đất vải.
Chị Liêm luôn tự hào mình là người con của quê hương Thanh Hà, được thiên nhiên ban tặng cảnh vật sông nước, hữu tình, rất phù hợp cho việc canh tác, làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng vải thiều.
Chia sẻ với phóng viên, chị Liêm cho biết: "Trong tương lai, tôi muốn phát triển khu du lịch này thành khu du lịch bền vững mà không phải tiểu khu du lịch mà là đại khu du lịch. Trước kia là tiểu khu du lịch gắn liền với sông Hương, nhưng bây giờ là Hợp tác xã du lịch sinh thái vải thiều Đồng Mẩn.
Ngoài ra, tôi muốn lan tỏa rộng hơn nữa, để mọi người cùng đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế địa phương chúng tôi nói riêng và huyện Thanh Hà nói chung, mà không phải một khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn mà là nhiều khu du lịch sinh thái khác. Ở đâu có cảnh quan thì người dân ở đó cũng phát triển. Để cho quả vải Thanh Hà đỡ được mùa mất giá, và được giá không mất mùa, vải thiều Thanh Hà không chỉ là đặc sản mà nó là món ăn đặc trưng mà không đâu sánh được".
"Chúng tôi cảm ơn tất cả các lãnh đạo, chính quyền địa phương cũng như chính quyền tỉnh, xã và bà con lân cận đã rất quan tâm. Thời gian đầu khi triển khai mô hình này cũng rất khó khăn nhưng được tất cả mọi người quan tâm đồng lòng nên chúng tôi đã vượt qua gian khó để duy trì khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn. Chúng tôi cũng mong muốn mọi người cùng đoàn kết góp phần xây dựng quê hương Thanh Hà ngày càng phát triển, để du lịch cộng đồng ở đâu thì nơi đấy nhiều hệ ăn theo và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân", chị Liêm tâm sự.
Là du khách trực tiếp trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, anh Hồ Thanh Tuấn (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: "Tôi có một số anh em, bạn bè ở Hải Dương giới thiệu nên biết tới Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn này. Trực tiếp trải nghiệm mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp này làm tôi thấy rất thích thú, phấn khởi vì từ trước đến nay tôi chưa từng chứng kiến và đến tận vườn thưởng thức những trái vải ngon như này. Do vậy, nếu có dịp ra Bắc chắc chắn tôi cùng gia đình sẽ tới đây một lần nữa, và cũng rất mong muốn Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn ngày càng phát triển, đông khách đến trải nghiệm hơn nữa".
Là người con quê hương đất vải Thanh Hà, chị Liêm mang một sứ mệnh cao cả, trước là gìn giữ nghề "cha truyền con nối", sau là phát triển những tinh túy của quê hương mà thiên nhiên ban cho để không bị luyến tiếc. "Tôi muốn làm gì đó cho quê hương mình, ngày nay thì mọi người chưa hiểu về tôi nhưng trong tương lai họ sẽ hiểu những giá trị mà những gì tôi ở hiện tại đang làm", chị Liêm tâm sự.