1. Trang chủ /
  2. Khám sức khỏe tiền hôn nhân - câu chuyện không chỉ của riêng ngành Y

Khám sức khỏe tiền hôn nhân - câu chuyện không chỉ của riêng ngành Y

thứ hai, 13/11/2023 23:50 GMT+07
Trong hôn nhân, bên cạnh tình yêu, đồng cảm, một trong những yếu tố quan trọng góp phần duy trì hạnh phúc chính là đời sống tình dục hòa hợp cũng như sức khỏe của hai vợ chồng để có những đứa con khỏe mạnh. Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới phát hiện ra người bạn đời mắc bệnh di truyền, truyền nhiễm. Hệ lụy đau lòng hơn cả là những đứa con do họ sinh ra cũng bị dị tật bẩm sinh...
Hoạt động khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Trung tâm Pháp y Hà Nội. Hoạt động khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh về di truyền tăng

Theo thống kê, Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương quản lý hơn 1.000 hồ sơ bệnh nhân Thalassemia, số bệnh nhân đến truyền máu mỗi tháng khoảng 120 - 150 trường hợp. Nhiều gia đình có hai con nhỏ đều mắc bệnh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng I, TP HCM, mỗi năm tiếp nhận từ 800 - 1.000 lượt bệnh nhi Thalassemia nhập viện điều trị. Các bệnh viện tuyến tỉnh mỗi năm cũng có hàng trăm bệnh nhân đến điều trị căn bệnh này.

Nhiều chuyên gia nhi khoa cảnh báo tỷ lệ trẻ em mắc bệnh Thalassemia, một bệnh về máu có tính di truyền, có xu hướng tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng số bệnh nhân được điều trị vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân chính chỉ vì các cặp vợ chồng chưa chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân để được phát hiện bệnh và tư vấn trước sinh kịp thời. Trẻ mắc Thalassemia thường bị sạm da, xơ gan, suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển vận động, tâm thần, thậm chí suy tim và tử vong. Theo chuyên gia nhi khoa, để tránh sinh ra những đứa trẻ mang gen bệnh Thalassemia, trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng cần thử máu để biết mình có mang gen bệnh hay không. Năm 2020, bệnh Thalassemia được đưa vào danh sách các bệnh bắt buộc phải sàng lọc trước sinh. Để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh lặn đơn gen nói chung, Thalassemia nói riêng, các cặp đôi cần xét nghiệm trước khi kết hôn hoặc trước và trong thai kì.

Điều đáng lo ngại là không chỉ riêng bệnh nhi Thalassemia có xu hướng tăng, các chuyên gia sản khoa cho hay có rất nhiều trường hợp sau khi phát hiện có thai, bà mẹ mới biết mình nhiễm HIV, viêm gan B... khiến cho việc theo dõi thai kỳ lâm vào “thế khó” vì bác sĩ tư vấn bỏ thai đi cũng không được mà tiếp tục theo dõi thai nhi cũng rất khó khăn.

Theo thống kê, hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Để ngăn chặn các rủi ro trong sinh sản thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân (KSKTHN) cũng như sàng lọc trước và sau khi em bé chào đời là những việc làm vô cùng quan trọng. Thời điểm tốt nhất để KSKTHN là tối thiểu 3 - 6 tháng trước khi kết hôn để bảo đảm có thể sàng lọc các vấn đề về sức khỏe trước khi tiến tới hôn nhân.

Không chỉ là vấn đề của y học

Quan trọng như vậy nên vấn đề KSKTHN từng được cân nhắc để đưa vào luật trong quá trình sửa đổi pháp luật về hôn nhân, gia đình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, quy định pháp luật hiện hành chưa đưa vấn đề KSKTHN trở thành quy định bắt buộc, mới dừng lại ở việc các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên chủ động KSKTHN trước khi tiến hành thủ tục kết hôn, nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình trước khi bước vào giai đoạn hôn nhân.

Mới đây, tại phiên thảo luận ngày 1/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát biểu trước diễn đàn Quốc hội về vấn đề KSKTHN. ĐBQH Nguyễn Tri Thức nhận định KSKTHN có tầm quan trọng lớn và là trách nhiệm với người vợ/chồng cũng như trách nhiệm với thế hệ sau. Nêu thực tiễn, ông cho biết trong thực hành lâm sàng từng chứng kiến những trường hợp tới khi đi sinh người phụ nữ mới biết được mình bị hẹp van tim nặng hoặc suy tim, suy thận và cuối cùng phải đi đến quyết định cứu mẹ hay cứu con, đồng thời cho biết tất cả những vấn đề này hoàn toàn có thể tránh được nếu KSKTHN.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phòng tránh các nguy cơ về sức khỏe hôn nhân. (Ảnh minh họa )
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phòng tránh các nguy cơ về sức khỏe hôn nhân. (Ảnh minh họa )

“Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới biết một trong hai người có bệnh lý liên quan đến tình dục và di truyền. Sau khi sinh con, nhiều người mới biết con mang bệnh di truyền từ gen lặn, để lại hậu quả lớn. Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra liên quan đến rối loạn hành vi. Không KSKTHN nên họ không hay biết và cũng không lý giải được vì sao. Nếu ban hành quy định bắt buộc KSKTHN thì mỗi cặp vợ chồng trước khi kết hôn có thể chuẩn bị chu đáo cả về tâm lý và sức khỏe để tránh những hệ quả đáng tiếc sau này. Các thế hệ bác sĩ và nhà làm luật trước đây cũng từng nghĩ đến ý tưởng này nhưng khi đó trình độ y khoa, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống và nhận thức người dân đều chưa thích hợp. Tôi đặt vấn đề vào thời điểm này vì trình độ y khoa Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, kinh phí khám bệnh không quá lớn, đời sống và nhận thức người dân đã được nâng cao” - ông Nguyễn Tri Thức trả lời truyền thông sau phiên họp Quốc hội.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm chỉ đạo tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Trong đó có đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; 70% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại tật bẩm sinh phổ biến nhất… Để đạt được những mục tiêu đã đề ra thì việc thúc đẩy, khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân cần phải được chú trọng hàng đầu.

Do đó, vấn đề được ĐBQH Nguyễn Tri Thức đưa ra tại diễn đàn Quốc hội là hoàn toàn chính xác và hợp lý. Cũng theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, hiện nay Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Nghị định 123/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch đều không có quy định bắt buộc KSKTHN. Trong khi đó, nếu kết hôn với người nước ngoài thì đây là vấn đề bắt buộc và khám rất sâu, kể cả khám chuyên khoa tâm thần kinh. ĐBQH Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ cân nhắc đưa quy định bắt buộc KSKTHN vào luật và đi kèm chính sách hỗ trợ cho các đối tượng kết hôn ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo.

Làm gì để người dân không e ngại?

Bên cạnh một bộ phận người trẻ có ý thức về vấn đề KSKTHN thì với nhiều người vấn đề này chưa được quan tâm, chủ yếu do xuất phát từ tâm lý e ngại KSKTHN sẽ phát hiện ra bệnh ảnh hưởng hạnh phúc lứa đôi. Nhiều người trẻ khi được bạn đời đề nghị KSKTHN thì có tâm lý tự ái và tổn thương vì cho rằng đối phương không tin tưởng mình.

Trung tâm Pháp y Hà Nội là cơ sở y tế đã và đang thực hiện việc KSKTHN cho người dân. Tuy nhiên, như đã nói trên, vì nhiều người dân Việt Nam còn e ngại nên hoạt động KSKTHN tại Trung tâm chủ yếu là cho các trường hợp hôn nhân có yếu tố người nước ngoài với con số trung bình hàng năm từ 4 - 5 nghìn người đến khám.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết: “Tôi ấn tượng với cặp đôi là hai bạn còn rất trẻ đều là người Việt Nam nhưng do người vợ có thêm quốc tịch nước ngoài nên bắt buộc khi đăng ký kết hôn phải KSKTHN. Sau khi khám sức khỏe thì phát hiện người chồng có HIV, viêm gan B dương tính và căn bệnh đang ở thể tiến triển. Khi được thông báo, người vợ đã quyết định dừng việc đăng ký kết hôn, tập trung điều trị cho người chồng và đi tư vấn việc có nên sinh con hay không, nếu muốn sinh con thì sinh vào thời điểm nào... Sau một thời gian điều trị bệnh viêm gan B ổn định cho người chồng và tư vấn việc sinh con khi người chồng nhiễm HIV cẩn thận thì họ mới đăng ký kết hôn. Tôi rất ấn tượng về tình yêu của đôi vợ chồng trẻ này”.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội, việc khám sức khoẻ giới tính ở Việt Nam hiện nay cũng như KSKTHN chưa được quan tâm trong giới trẻ. Tỷ lệ trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm rất cao, trẻ chưa có ý thức cũng như kiến thức thực tế trong việc thực hành quan hệ tình dục lành mạnh dẫn tới tỷ lệ có thai ngoài ý muốn, phá thai ở người trẻ không nhỏ, tỷ lệ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục vì thế cũng rất lớn.

Một vấn đề nữa đặt ra hiện nay, tuy chưa có nghiên cứu thực tế ở Việt Nam nhưng tỷ lệ người trẻ có quan hệ đồng tính, người lưỡng tính cũng tăng lên đáng kể. Việc xác định các đối tượng này thuộc thể nào (thể do bất thường gen hay bệnh tâm lý…) cũng chưa được quan tâm, dẫn tới hệ luỵ là những bạn trẻ này sống trong cảm giác mặc cảm và bị xa lánh, cô độc, ảnh hưởng không tốt tới gia đình và xã hội. Việc KSKTHN, khám sức khoẻ giới tính sẽ giúp phát hiện sớm những bạn trẻ có bất thường như trên và đưa ra lời khuyên, cách điều trị phù hợp nhất để các bạn trẻ có thể sống hạnh phúc.

“Tại Trung tâm Pháp Y Hà Nội, tỷ lệ các cặp đôi đều là người Việt Nam đến KSKTHN rất thấp, họ chỉ đến khám khi một người có bệnh lý nghiêm trọng, không hề có kiến thức phòng ngừa bệnh tật trước khi kết hôn. Việc này sẽ làm gia tăng gánh nặng y tế (do tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh bẩm sinh, tăng tai biến y khoa cho mẹ và con khi sinh…) và gia tăng tỷ lệ ly hôn do tỷ lệ vô sinh cao, do sinh con dị tật... Do đó, chúng ta cần đặt ra vấn đề là nên KSKTHN đối với các cặp đôi trước khi kết hôn và khám sức khoẻ giới tính cho trẻ vị thành niên thành vấn đề bắt buộc trong quy định pháp luật và tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân đối với vấn đề này”, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội.