1. Trang chủ /
  2. Khát vọng dân tộc, khát vọng Hồ Chí Minh!

Khát vọng dân tộc, khát vọng Hồ Chí Minh!

thứ sáu, 2/9/2022 22:04 GMT+07
(PLM) - Lúc sinh thời, khát vọng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là điều như Người từng chia sẻ: “Tự do đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Từ khát vọng ấy, Người đã tìm đường, mở đường và dẫn đường cho dân tộc hướng đến một xã hội công bằng, hợp lý, bình đẳng, “nhân dân lao động thoát nạn bần cùng… mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Và giờ đây, dân tộc Việt Nam, từ hành trình mở lối ấy, đang nỗ lực dựng xây đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để cùng bàn luận xung quanh những vấn đề này.

Sức mạnh của dân tộc vượt lên mọi khó khăn, thử thách

+ Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng sinh động cho một hành trình bền gan, vững chí của tất thảy người dân đất Việt trong công cuộc tự khẳng định nội lực của chính mình. Hành trình ấy, bắt nguồn từ khát vọng cháy bỏng “một đất nước độc lập, một dân tộc tự do”, phải vậy không, thưa ông?

- Mỗi dân tộc, để trường tồn đến ngày hôm nay, nhất định phải có sức mạnh nào đó. Đối với đất nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước chắc chắn là một trong những cội nguồn cho sức mạnh của dân tộc. Điều đó còn vĩ đại hơn khi dân tộc ta ở vào một vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt: Nằm giữa hai nền văn minh lớn (Ấn Độ và Trung Quốc) và con đường giao lưu chiến lược của thế giới. Không có một bản lĩnh văn hóa, khó có một dân tộc nào có thể tồn tại mà không bị đồng hóa qua hàng ngàn năm lịch sử như thế.

Để tồn tại, khẳng định mình và có vị trí vững chắc trong bản đồ thế giới hiện đại, dân tộc ta đã không chỉ xây dựng cho mình một chủ quyền quốc gia qua những cột mốc biên giới, mà thực sự đã hình thành vững chắc một chủ quyền văn hóa tồn tại trong tâm thức của mỗi người dân, để từ đó, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, từ thiên tai đến địch họa, sức mạnh văn hóa ấy lại trỗi dậy, cuốn phăng đi mọi khó khăn, thử thách.

Văn hóa dân tộc, bắt đầu từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, văn hóa gia đình, dòng họ, làng quê, đã trở thành sức mạnh thực sự của dân tộc Việt Nam. Chúng ta để ý thấy rằng, từ bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, tới Bình Ngô Đại Cáo hay Tuyên ngôn độc lập đều tập trung khẳng định giá trị văn hóa riêng của dân tộc - một giá trị bất khả xâm phạm - chính là tinh thần nhất quán để chúng ta tạo nên lòng yêu nước, tình đoàn kết, và kết quả từ đó chính là sức mạnh của dân tộc.

+ Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nung nấu và đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho hoài bão lớn lao, khát vọng cháy bỏng: “Đất nước được độc lập, Tổ quốc được phồn vinh, nhân dân được hạnh phúc”. Nối tiếp “hành trình” và “khát vọng” Hồ Chí Minh, một trong những thành tố quan trọng mà Đảng ta đặt ra trong chủ đề của Đại hội XIII là cần phải “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc, PGS có thể phân tích rõ hơn về khát vọng đó?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như một cách khẳng định vị trí và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong cả cuộc đời, Bác là tấm gương vĩ đại nhất nhưng cũng gần gũi nhất về hình ảnh, giá trị con người Việt Nam. Hoài bão của Bác về một dân tộc Việt Nam độc lập - tự do - hạnh phúc cũng là mong ước chung của cả dân tộc, mà giờ đây, chúng ta có thể tự hào thực hiện giấc mơ ấy khi “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thực hiện căn dặn của Bác, phát huy giá trị văn hoá Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cũng như tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, khiến thế giới trở thành ngôi làng toàn cầu, và vì thế, quốc gia nào không giữ được bản sắc thì không những bị hoà tan trong thế giới rộng lớn, mà còn có nguy cơ mất nước vì “mất văn hoá là mất tất cả”.

Trong khi đó, những quốc gia nào biết tận dụng lợi thế văn hoá của mình sẽ tạo nên dấu ấn riêng, giá trị so sánh trong phát triển bền vững đất nước. Chính vì thế, trong văn kiện Nghị quyết XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân”.

Thực tế qua thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua, chúng ta nhận thấy rằng, sự thành công lớn nhất chính là cách chúng ta khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, chia sẻ của nhân dân cả nước.

Niềm tin vững chắc thực hiện thành công khát vọng của Bác Hồ

+ Mục tiêu phát triển đất nước hùng cường cũng đặt ra cho hệ thống chính trị và toàn xã hội những trách nhiệm lớn lao. Theo ông, trong giai đoạn mới hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần làm gì để thể hiện tinh thần, trách nhiệm đó?

- Phát triển đất nước hùng cường phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, trong đó đội ngũ cán bộ, Đảng viên phải đóng vai trò tiên phong, gương mẫu.

Chúng ta đang ở trong một bối cảnh xã hội khá phức tạp, trong đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tạo ra nhiều hệ lụy trong đạo đức, lối sống của cá nhân, cộng thêm quá trình hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội, khiến cho nhiều người bị mất định hướng, thăng bằng trong cuộc sống.

Hậu quả của việc này là hàng loạt những hiện tượng sa sút về đạo đức, lối sống từ gia đình, nhà trường ra đến xã hội. Điều đó càng khiến chúng ta nhận ra vai trò quan trọng của việc định hướng giá trị đạo đức trong xã hội qua những bài học cụ thể, tấm gương cụ thể.

Đội ngũ cán bộ, Đảng viên nhất thiết phải là đội ngũ đi đầu, làm gương thực hiện định hướng đó. Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề này qua những quy định hết sức cụ thể, và tôi hy vọng rằng, qua việc chỉnh đốn Đảng lần này, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ thể hiện rõ hơn tinh thần, trách nhiệm của mình, từ đó, chúng ta tạo ra một môi trường lành mạnh, tích cực cho việc xây dựng văn hóa cho đất nước.

khat vong dan toc khat vong ho chi minh hinh 2
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

+ Nhiều ý kiến cho rằng Đại hội XIII của Đảng giống như một cột mốc mở đầu thời kỳ phát triển của đất nước với khí thế, tiềm lực và sức bật mới… Ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa. Tôi còn nhớ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Thủ tướng) đã khẳng định: “Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công”.

Còn một trong những đột phá chiến lược giai đoạn 2021 – 2030 được ghi rõ là: “Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”.

Sau đó, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đây là những tư tưởng mang tính đột phá trong phát triển văn hóa, thực sự giúp văn hóa có một khí thế và sức bật mới, và từ đó lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Khi văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội thì đó cũng là lúc chúng ta phát triển đất nước bền vững.

+ Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng cống hiến và sức mạnh đoàn kết của dân tộc, cùng với yếu tố lịch sử, điều kiện trong nước và quốc tế trong giai đoạn hiện nay, ông kỳ vọng như thế nào về việc hiện thực hóa khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng của dân tộc, của thời đại?

- Tôi có một niềm tin vững chắc vào việc chúng ta sẽ thực hiện thành công khát vọng của Bác Hồ, để chúng ta có sự tự tin trước bạn bè thế giới. Điều này đến từ sự trải nghiệm của chính tôi khi chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của Đảng và Nhà nước nỗ lực vượt qua khó khăn từ dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế giai đoạn vừa qua, cũng như niềm tin của nhân dân vào những nỗ lực đó.

Khi chúng ta có được sự “nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng”, tôi tin rằng sức mạnh của dân tộc sẽ giúp chúng ta thực hiện được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của thời đại Hồ Chí Minh.

+ Trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội!

ĐẠI TÁ TRẦN VĂN THÔNG - NGUYÊN THAM TÁN CHÍNH TRỊ ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI CAMPUCHIA, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM – CAMPUCHIA: 

"Biết kết hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc với sức mạnh quốc tế thời đại"

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang triển khai thi hành Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn, trở ngại, thách thức của thời đại, đưa dân tộc ta phát triển hướng tới phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, theo tôi, chúng ta cần tập trung vào các nội dung chính như sau: Tiếp tục thực sự học tập, thực sự làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng độc lập, cho đất nước và hạnh phúc thực sự cho nhân dân.

khat vong dan toc khat vong ho chi minh hinh 3

Cùng với đó, vấn đề đặt ra có tính chiến lược là đặc biệt nhấn mạnh đi sâu nghiên cứu, hiểu đúng, để có phương pháp tư duy đúng đắn và thực sự làm theo, tạo cho mình phong cách, lối sống có ý chí, nghị lực, bản lĩnh và có phương pháp thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển bền vững, hướng tới phồn vinh, nhân dân thực sự có hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết là lãnh đạo các cấp trong bộ máy của hệ thống chính trị phải tự xây dựng chương trình hành động cá nhân, kết hợp sự giáo dục của Đảng với tự giáo dục, tự bồi dưỡng, củng cố niềm tin vững chắc cho ý chí tự lực, tự cường, tự khơi dậy khát vọng cho mình, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Kiên quyết khắc phục căn bệnh hình thức trong học tập và làm theo, chống lối học chỉ để đối phó, chỉ vì mục đích chạy theo bằng cấp, chứng chỉ để lòe bịp chính mình và quần chúng, cấp dưới…

Hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người rèn luyện, lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tiến hành thắng lợi các cuộc cách mạng vĩ đại đều gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Nhưng cốt lõi, sức sống tư tưởng của Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam là “tự ta giải phóng cho ta”; là ý chí tự lực, tự cường; là không ỷ lại, không có tư tưởng chỉ dựa dẫm vào bên ngoài mà luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh là chính. Tuy nhiên, độc lập, tự lực cánh sinh theo tư tưởng Hồ Chí Minh không có nghĩa là tự cô lập, tự cô đơn, mà là biết kết hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc với sức mạnh quốc tế thời đại làm tăng sức mạnh quốc gia tự vệ. Đó là tư tưởng Đối ngoại đa phương hóa quan hệ, đa dạng hóa quan hệ, Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới; Việt Nam làm tất cả để giữ gìn nền độc lập quốc gia có chủ quyền, đề cao lợi ích quốc gia dân tộc mình, đồng thời tôn trọng lợi ích pháp lý chính đáng của các quốc gia khác phù hợp với luật pháp quốc tế.

PGS.TS PHẠM HUY KỲ - NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN (HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH):

"Việt Nam từng bước khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế"

Trong dòng chảy lịch sử nhân loại và xuyên suốt hàng ngàn năm dựng xây gắn liền với bảo vệ đất nước Việt Nam, độc lập - tự do - hạnh phúc luôn là khát vọng, là nỗ lực phấn đấu, hy sinh của biết bao thế hệ người Việt.

khat vong dan toc khat vong ho chi minh hinh 4

Thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước (1975). Từ đây, nhân dân trên mọi miền Tổ quốc bắt tay xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đất nước hùng cường.

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều này được thể hiện rõ nhất là chúng ta được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối; Chủ tịch luân phiên ASEAN và một loạt các vị trí trên các diễn đàn đa phương...

Đảng ta đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - thời khắc việt nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước, việt nam trở thành một nước có trình độ phát triển cao, nhân dân được hạnh phúc. Để đạt được điều đó, toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, phải phát huy nguồn lực con người – đó chính là tiềm năng, thế mạnh của đất nước ta hiện nay.