Khi các “ông lớn” bán lẻ làm nhãn hàng riêng
Được “tự chủ” giá
Nhãn hàng riêng là các sản phẩm gia dụng, tiêu dùng, xuất hiện trên các kệ quầy hàng các siêu thị cùng với các thương hiệu lớn. Đến nay, hầu hết các chuỗi siêu thị lớn xuất hiện ở thị trường bán lẻ Việt Nam đều đã có nhãn hàng riêng. Một trong những lý do mà các “ông lớn” bán lẻ này quyết định làm nhãn hàng riêng là được tự chủ giá.
Đại diện Winmart cho biết, để góp phần bình ổn giá, đơn vị đã phát triển 4 nhãn hàng riêng, có giá thành rẻ hơn 10- 20% so với các sản phẩm cùng phân khúc. Các sản phẩm đều thuộc các ngành hàng thiết yếu như thực phẩm khô (mang thương hiệu WinMart Good), thực phẩm chế biến (WinMart Cook), đồ gia dụng (WinMart Home) và chăm sóc cá nhân (WinMart Care).
Ngoài ra, hệ thống này cũng phát triển nhiều nhãn hàng thực phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh như WinEco; gạo Ngọc Nương, trứng gà và các sản phẩm từ thịt mang nhãn hiệu O’lala… Gần đây, Winmart cũng cho ra mắt nhãn hiệu Beng’s - chuyên về các loại thực phẩm tiện lợi, chất lượng tốt với giá thành bình dân, hướng đến mục tiêu cung cấp đa dạng lựa chọn về sản phẩm và mức giá, để mọi khách hàng có thể thoải mái chọn lựa.
Một trong những đơn vị sản xuất nhãn hàng riêng sớm nhất phải kể đến Saigon Coop. Đến nay nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đã có hơn 500 mặt hàng, hơn 3.000 mã hàng, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng.
Satra gần như là hệ thống siêu thị tham gia muộn nhất vào xu hướng làm nhãn hàng riêng. Thời gian đầu, nhãn hàng riêng mang thương hiệu Satra chủ yếu tập trung vào gạo đóng túi - là một lợi thế của Satra, từ các loại gạo bình dân, bình ổn thị trường đến các mặt hàng cao cấp… Ngoài gạo, hiện Satra cũng có thêm nhiều nhãn hàng riêng thuộc các dòng sản phẩm chăm sóc gia đình.
Đại diện Satra cho biết, phát triển nhãn hàng riêng đã góp phần tăng cường năng lực chế biến của các đơn vị sản xuất. Mặt khác, dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng còn giúp phát huy thế mạnh của hệ thống phân phối của công ty mẹ. Đặc biệt, hàng hóa được quản lý chặt từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, quá trình sản xuất đến khi đưa vào kinh doanh phục vụ người tiêu dùng với giá cả cạnh tranh.
AEON Việt Nam cũng đã có hơn 8.000 mặt hàng thuộc 2 nhãn hàng riêng của AEON là Topvalu và Hóme Cóordy, bao gồm các ngành hàng đa dạng từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang tới đồ gia dụng, trang trí nội thất; Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam cũng cung cấp ra thị trường 2.090 sản phẩm thuộc hàng nhãn riêng, do chính đơn vị kết hợp đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Theo đánh giá của đại diện Tập đoàn AEON Việt Nam, hiện tỷ trọng các sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng của các siêu thị chỉ chiếm khoảng 2,4% và dư địa phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên, dù chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ nhưng các nhãn hàng riêng đã mang lại thêm quyền lựa chọn các mặt hàng “ngang chất lượng” với giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng.
Đó có thể là lý do khiến cho sức tiêu thụ hàng nhãn riêng các hệ thống siêu thị đều tăng trưởng tốt. Theo đại diện Saigon Coop, những ngày đầu mới phát triển nhãn hàng riêng, tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 30%/năm; thời điểm này, tốc độ tăng trưởng có thấp hơn nhưng doanh số bán nhãn hàng riêng của hệ thống này vẫn không ngừng tăng trưởng.
Đại diện MM Mega Market cũng khẳng định, nhãn hàng riêng của hệ thống này tăng trưởng tốt khi sức tiêu thụ đã tăng trưởng 15% trong năm 2021 và thị phần của các sản phẩm hàng nhãn riêng đã chiếm 8,8% tổng số hàng hóa trên toàn hệ thống các trung tâm MM Mega Market.
Một chuyên gia chuyên về phân phối, bán lẻ đánh giá, việc các siêu thị phát triển nhãn hàng riêng là một chỉ dấu cho sự phát triển hàng Việt trên kệ các siêu thị bởi nhãn hàng riêng đa phần được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, nhãn hàng riêng đã mang lại cho người tiêu dùng sự lựa chọn tốt nhất với mức chi tiêu của mình, đồng thời là một “đối trọng” đáng kể với các thương hiệu lớn của các tập đoàn đa quốc gia.
“Các nhãn hàng riêng là bộ mặt của hệ thống siêu thị nên chắc chắn họ phải làm tốt nhất có thể. Họ có lợi thế mặt bằng, không qua trung gian nên giá cả chắc chắn thấp hơn các nhà sản xuất. Chưa kể, khi các nhãn hàng riêng xuất hiện, các nhà sản xuất khác của các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp lớn trong nước cũng phải “ngó nghiêng”, tìm cách phát triển tốt hơn sản phẩm của mình, hoặc tìm cách khác để hút khách hàng về mình. Do đó, người tiêu dùng được hưởng lợi cuối cùng trong cuộc đua làm nhãn hàng riêng của các siêu thị” - vị chuyên gia này nói.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 223 ra ngày 11/8/2022)