Khi chính quyền 3 địa phương cùng đẩy mạnh quyết tâm
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, thế nên khi Thủ tướng ký Quyết định thành lập Vùng Thủ đô Hà Nội năm 2008, gồm 10 tỉnh, thành (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ và Hà Nam), việc đầu tiên phải xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó giao thông là lĩnh vực mang tính mở đường, tạo đòn bẩy đột phá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, vài ba năm lại đây, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô mới được khởi động và chính thức khởi công vào ngày 25/6.
Với phương châm “thần tốc”, chỉ trong vòng 1 năm kể từ ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, toàn hệ thống chính trị, chính quyền của Thủ đô Hà Nội, hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã vào cuộc tích cực để triển khai dự án.
Trong đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là ưu tiên hàng đầu. Muốn giải phóng mặt bằng nhanh, đòi hỏi công tác truyền thông và dân vận phải khéo. Vì chỉ khi dân hiểu, dân tin, chính sách đền bù thỏa đáng thì người dân sẽ tự nguyện di dời, nhường đất cho Nhà nước làm dự án. Với cách làm bài bản, khoa học, hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân… có thể nói đây là một trong những dự án nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Bằng chứng, chỉ trong vòng 1 năm trên toàn tuyến nơi dự án đi qua, công tác giải phóng mặt bằng đã khoảng 84%.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ có gắng hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% để đẩy nhanh tiến độ thi công
Để đảm bảo 100% mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công, các địa phương đang tiếp tục thực hiện nốt công tác giải phóng mặt bằng. Được biết, ngoài báo cáo bằng văn bản liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng, lãnh đạo cao nhất các địa phương còn lập nhóm chỉ đạo cập nhật công tác đền bù, giải phóng mặt bằng từng ngày, từng giờ.
Ví dụ, tại Hưng Yên, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lập các nhóm liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với dự án từ cấp tỉnh, sở, ngành, huyện, thậm chí cả cấp xã. Có vấn đề gì phát sinh lãnh đạo cao nhất của tỉnh sẽ giải quyết ngay.
Với cách làm quyết liệt, khoa học, hiệu quả, chúng ta tin trong thời gian ngắn nhất, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ có 100% mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công. Vấn đề còn lại, phụ thuộc vào công tác quản lý, đôn đốc, giám sát để các nhà đầu tư thi công đúng tiến độ, giảm tối đa việc đội vốn như tinh thần mà Thủ tướng nêu. Đồng thời, làm tiền đề tiếp tục nghiên cứu tiền khả thi việc lập dự án xây dựng đường vành đai 5- Vùng Thủ đô để tạo một hệ thống giao thông kết nối, lan tỏa, đồng bộ, góp phần đưa toàn Vùng Thủ đô từ năm 2030 trở đi phát triển xứng tầm đất nước và khu vực.