Khi nào giá cả hàng hóa “hạ nhiệt” theo giá xăng?
Chưa có nhiều thông báo giảm giá từ “đầu nguồn”
Giá cả hàng hóa ở các chợ, cửa hàng tiện ích và siêu thị đã thiết lập một mặt bằng giá mới từ thời điểm xăng dầu liên tục tăng giá, trong đó có những mặt hàng tăng đến 20-25% như dầu ăn, thịt lợn, rau xanh... Dịch vụ vận tải cũng tăng cao sau nhiều kỳ điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, 2 kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu đã giảm mạnh, quay về mức giá tương đương với giá hồi tháng 2 - thời điểm trước khi liên tục tăng giá nhưng thị trường hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” theo giá xăng dầu.
Khảo sát tại một số chợ của quận Hai Bà Trưng, Long Biên (TP Hà Nội)... cho thấy giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao, trong đó rau xanh và thịt lợn còn tăng so với thời điểm đầu tháng 7. Nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ 8/3 (quận Hai Bà Trưng) cho biết, giá lợn hơi vẫn đang trong đà tăng cao nên giá các loại thịt lợn vẫn sẽ tiếp tục tăng, bất chấp việc xăng giảm giá. Rau xanh cũng được dự báo chưa có dấu hạ do phụ thuộc vào thời tiết.
Các mặt hàng khô tại các chợ, cửa hàng tạp hóa cũng vẫn đang bán giá... như cũ với lời giải thích “vẫn đang bán số lượng hàng hóa trong kho, các mặt hàng lấy vào thời điểm xăng vẫn trong đà tăng giá”. Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng tạp hóa ở phố Lương Đình Của (quận Đống Đa, TP Hà Nội) còn cho biết, thời điểm trước khi xăng dầu tăng giá, các nhân viên kinh doanh của các tổng kho lớn báo giá tăng cũng khá nhanh theo mức tăng của giá xăng dầu nhưng thời điểm này, hầu hết vẫn chưa nhận được thông báo hạ giá nên họ tiếp tục phải bán theo giá cũ.
Đại diện một chuỗi siêu thị tại Hà Nội cho biết, đơn vị này vẫn theo sát tình hình giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giá các mặt hàng. Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá kịp thời theo giá xăng. Một số siêu thị còn “trưng” biển thông báo “giá các mặt hàng đang được điều chỉnh trong 2-3 ngày nên mức giá có thể khác với giá niêm yết. Giá chính xác sẽ thể hiện tại quầy thu ngân”.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Coopmart Hà Nội cho biết, giá cả hàng hóa tại Coopmart có sự biến động theo từng ngành hàng. Trong khi mặt hàng thực phẩm được báo giá theo tuần, đã có một số mặt hàng được thông báo sẽ giảm giá từ nhà cung cấp như các mặt hàng thực phẩm tươi sống thì một số mặt hàng “chưa có động tĩnh gì”, trong đó mặt hàng dầu ăn (trừ một công ty báo giá giảm khoảng 2.400 đồng/chai, chỉ tương đương giảm khoảng 3,6%). Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng thuộc ngành hàng khô, giải khát đã báo giảm giá như cà phê, nước mắm, bột ngọt giảm khoảng 13- 15%, cá biệt có mặt hàng giảm đến 20% như nước tương...
Khi nào giá hàng hóa mới giảm?
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giá xăng dầu đã về mức như thời điểm Tết Nguyên đán, hàng hóa cũng sẽ phải xuống mức tương ứng. Do đó, đã đến lúc các cơ sở sản xuất kinh doanh, DN cần đánh giá lại chi phí sản xuất, yếu tố đầu vào và sớm xem xét giảm giá hàng hóa, để không gây ra hiện tượng “tăng nhanh, giảm chậm” như người tiêu dùng vẫn lo lắng.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải, trong nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay lập tức. Nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm tương ứng vì các DN cần thời gian để điều chỉnh, cân đối lại chi phí sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, giá cả tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống là ‘nhạy cảm” với giá xăng dầu nhất, tăng nhanh và sớm nhất theo giá xăng. Nhưng qua theo dõi giá hàng hóa bán lẻ nhiều năm, có thể thấy, giá có thể tăng rất nhanh, lên 3 bậc nhưng khi giảm thì giảm rất chậm và giảm thấp hơn nhiều mức tăng.
“Đây chính là lý do tôi cho rằng cần phải quản lý thật chặt mức tăng giá hàng hóa khi xăng dầu tăng giá. Thông thường, mặt hàng nào cũng xảy ra hiện tượng như vậy, dễ tăng, khó giảm nên thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng cần phải chặt chẽ hơn trong kiểm soát thị trường giá cả, chỉ như thế mới có thể thiết lập một mặt bằng giá bình đẳng cho người tiêu dùng khi giá các nguyên liệu đầu vào tăng, không chỉ giá hàng hóa mà còn cả giá dịch vụ vận tải” - ông Phú chia sẻ.
Đại diện một siêu thị lớn ở Hà Nội cho biết đã làm việc với nhiều nhà cung cấp để đề nghị xem xét lại giá cả. Trước mắt cũng chưa thể có chuyện giảm giá ngay các mặt hàng đã tăng mạnh bởi giá cả của hệ thống siêu thị có “độ trễ” nhất định so với giá của chợ truyền thống do các cam kết về giá cũng như hợp đồng với nhà cung cấp. “Chúng tôi tăng chậm nên cũng sẽ giảm chậm hơn so với thị trường tự do nhưng nếu xăng dầu tiếp tục “hạ nhiệt” thì có thể cuối tuần đầu tiên của tháng 8, nhiều mặt hàng sẽ giảm nhưng chỉ có thể giảm dần dần, chưa thể giảm mạnh ngay được” - vị này “bật mí”.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 210, ra ngày 29/7/2022)