Khi người trẻ đóng phim lịch sử: “Bà Tộ” Phương My, vai diễn lấy nước mắt khán giả trong phim “Đại thi hào Nguyễn Du”
Bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” có thời lượng 180 phút, gồm ba phần: “Gia thế và tuổi thơ” (1765-1780), “Mười năm gió bụi” (1780-1796) và “Nghiệp văn và quan trường” (1796-1820). Qua đó, thể hiện những lát cắt lịch sử của 3 triều đại Lê – Trịnh; Tây Sơn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn, bộ phim tái tạo lại một cách sống động về cuộc đời Nguyễn Du từ lúc sinh ra (1765) ở phường Bích Câu – Thăng Long trong gia đình tể tướng quyền quý đến khi làm quan tới chức Hữu Tham Tri bộ Lễ tước Du Đức Hầu và mất tại Huế (1820).
Bên cạnh chân dung Nguyễn Du, phim đã tái hiện hình ảnh những người phụ nữ tần tảo, có ảnh hưởng đến cuộc đời, con người của Đại thi hào. Trong đó có bà Đoàn Thị Tộ - người vợ đầu tiên của Đại thi hào Nguyễn Du.
Theo ông Nguyễn Văn Đức – đạo diễn bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du”, về ý nghĩa việc xây dựng hình ảnh bà Đoàn Thị Tộ (vợ cả Nguyễn Du) nối tiếp bà Đặng Thị Dương (mẹ lớn Nguyễn Du), bà Trần Thị Tần (mẹ đẻ Nguyễn Du), đoàn phim muốn nhấn mạnh thêm về vai trò của các bà mẹ trong việc nuôi dạy con cái. “Phúc đức tại mẫu”, “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, muốn xây dựng một thế hệ trẻ có văn hóa thì không thể thiếu nền tảng giáo dục của gia đình, đặc biệt là từ người mẹ. Từ những làn điệu hát ru nhẹ nhàng, tình cảm, các bà mẹ đã khéo léo lồng ghép trong đó những lời giáo huấn, răn dạy độc đáo, giúp đứa trẻ dần hình thành tính cách để sau này lớn lên chúng biết về cội nguồn, biết có trách nhiệm với người thân trong gia đình và trách nhiệm trong công việc, trở thành công dân có ích cho xã hội và cộng đồng.
Bà Đoàn Thị Tộ trong phim "Đại thi hào Nguyễn Du" do diễn viên Phương My thủ vai
Riêng với diễn viên Phương My – người thủ vai bà Đoàn Thị Tộ, con đường đến với vai diễn này cũng rất tình cờ khi được một người anh làm trong đoàn phim mời thử vai: “Bản thân mình trước giờ chỉ biết tới Nguyễn Du, còn vợ Nguyễn Du là ai và thân thế của bà ấy như thế nào thì thực sự là chưa bao giờ nghe tới. Đến khi được đọc kịch bản thì vai bà Đoàn Thị Tộ đã hoàn toàn thuyết phục mình. Mình tới gặp đạo diễn và đạo diễn Nguyễn Văn Đức đã quyết định để mình đảm nhận vai bà Tộ. Mình nghĩ có lẽ đây là một cái duyên của mình với vai bà Tộ và bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du”.
Diễn xuất của diễn viên trẻ Phương My khi hóa thân vào nhân vật "bà Tộ", phim Đại thi hào Nguyễn Du
Ngay lần đầu đọc kịch bản của nhân vật bà Đoàn Thị Tộ, diễn viên Phương My… đã khóc vì xúc động và đồng cảm với nhân vật. Theo nữ diễn viên, vai diễn “bà Tộ” là hình ảnh một người vợ luôn khắc khoải chờ đợi nhớ thương chồng, là người phụ nữ sớm hôm tần tảo lo từng bữa cơm trong cảnh nghèo khó vẫn mong chồng nên nghiệp lớn. “Tình yêu của bà dành cho ông rất lớn, khiến mình vô cùng ngưỡng mộ” – Phương My cho biết.
Quan niệm nhân vật lịch sử hay hiện đại cũng đều mang tâm tư của một con người bình thường, nữ diễn viên sinh năm 1991 đã mang những cảm xúc chân thật nhất của mình để hoá thân vào vai bà Đoàn Thị Tộ. Bên cạnh đó, cô cũng tìm đọc tài liệu về bà Đoàn Thị Tộ để hiểu hơn về thân thế của bà, cũng như bối cảnh lịch sử bấy giờ. Và lại một cơ duyên đến với diễn viên Phương My khi cô tình cờ đọc được bài thơ “Ký mộng” (ghi lại giấc mộng) của Nguyễn Du mà nhiều người cho rằng đó là giấc mộng về bà Tộ, người vợ đầu đã mất với đầy sự thương nhớ, xa cách và cô đơn trên mạng xã hội Facebook, để rồi, mỗi khi vào cảnh quay Phương My đều lấy bài thơ đó ra đọc để lấy cảm xúc cho nhân vật.
Phương My ( vai Bà Tộ) và Sỹ Hưng (vai Nguyễn Du) là hai diễn viên trẻ, được công chúng đánh giá cao về khả năng diễn xuất khi hóa thân vào các nhân vật lịch sử
Hóa thân vào nhân vật người vợ đầu của Đại thi hào Nguyễn Du, Phương My cảm thấy áp lực nhất khi phải học hát và làn điệu múa “Duyên phận phải chiều” trong một thời gian quá gấp chỉ… ba ngày. Nữ diễn viên trẻ phải về Thái Bình để xem đoàn chèo Thái Bình biểu diễn bài hát này, sau đó quay phim lại để về Hà Nội tập theo. “Để một người ngoại đạo thuộc một làn điệu chèo là rất khó, đằng này mình còn phải thuộc toàn bộ các động tác múa để kết hợp với một bạn diễn nam ở Thái Bình. Vậy là trong ba ngày mình dừng hết tất cả mọi công việc khác, chỉ để tập trung tự học múa, hát, quan trọng hơn là cả thần thái, cử chỉ và ánh mắt nữa. Mình muốn khi mình bước ra bối cảnh quay, mọi người phải nghĩ mình là diễn viên chèo chuyên nghiệp”.
Với vai diễn bà Đoàn Thị Tộ, diễn viên Phương My đã nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng, nhiều khán giả đã thực sự cảm tình, xúc động không kìm được nước mắt. “Đó là điều mình thấy vô cùng hạnh phúc khi vai diễn của mình sống trong lòng khán giả. Và hơn hết, mình có một người bạn diễn vô cùng ăn ý là Sỹ Hưng trong vai Nguyễn Du đã giúp mình thăng hoa rất nhiều. Mình tin những phân đoạn của vợ chồng Nguyễn Du, chúng mình đã hoàn thành nó bằng tất cả con tim” – nữ diễn viên LucTeam chia sẻ.
Theo đạo diễn Nguyễn Văn Đức, hình ảnh bà Đoàn Thị Tộ - đại diện cho những người vợ của các nhà nho thời bấy giờ. Bà là điểm tựa cả vật chất và tinh thần trong thời gian Nguyễn Du nương thân, náu mình trên đất Thái Bình.
Hình ảnh bà Đoàn Thị Tộ đại diện cho thân phận người phụ nữ thời phong kiến
Cũng theo đạo diễn phim “Đại thi hào Nguyễn Du”, khi nhập vai Đoàn Thị Tộ bắt buộc diễn viên phải hiểu và cảm nhận được tương đối về bản chất, thân phận người phụ nữ thời phong kiến: “Dưới thời phong kiến: Trọng nam, khinh nữ, ngay từ thời thơ ấu Nguyễn Du đã nghe mẹ thốt lên: “Làm kiếp đàn bà khổ lắm con ơi”. Người phụ nữ khi lấy chồng chỉ một mực chăm chồng, cam chịu không một lời ca thán. Nhưng họ cũng rất hãnh diện khi chồng là một nhà thơ. Chính những câu thơ Kiều của chồng đã giúp bà Tộ vượt qua được mọi khó khăn, đói nghèo. Và bà cũng là nguồn cảm hứng thi ca cho chồng qua những làn điệu chèo thấm đậm chất dân ca. Diễn viên Phương My đã nắm bắt được yêu cầu đó và hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Hy vọng khi xem phim hình ảnh bà Đoàn Thị Tộ sẽ đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả về tình yêu thương, cảm thông, cảm phục, thậm chí có thể có chút bực bội khi so sánh với người vợ thời nay rằng… khổ thế sao mà chịu được!”.
Hình ảnh trẻ trung của diễn viên Phương My ngoài đời
Sau 4 năm theo học chuyên ngành Mỹ thuật, Phương My quyết định rẽ ngang, thi tuyển vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh
Nguyễn Phương My, sinh năm 1991, hiện đang là diễn viên công tác tại đoàn kịch "Lucteam" của đạo diễn Trần Lực. Phương My theo học và tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh với kết quả thủ khoa đầu ra. Khi còn là sinh viên năm cuối, nữ diễn viên đã giành huy chương bạc trong Liên hoan sân khấu Thủ đô với vở kịch "Quẫn". Đây là bước ngoặt lớn khiến tên tuổi của cô được nhiều khán giả biết đến. Sau khi tốt nghiệp, Phương My về đầu quân cho đoàn kịch Lucteam, đoàn kịch đi theo phong cách "Biểu hiện- Ước lệ" mang tính đương đại.