Khi vỉa hè Hà Nội không dành cho người đi bộ mà để trông giữ xe
Khi lợi ích là quá lớn
Hiện chính quyền thành phố Hà Nội đang tích cực tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn với quyết tâm đòi lại vỉa hè cho người đi bộ.
Đây không phải lần đầu Hà Nội ra quân “dẹp loạn vỉa hè” nhưng thực tế tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thậm chí lòng đường làm bãi đỗ xe, kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng không đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu điểm đỗ và đặc biệt là quy hoạch chưa đồng bộ, chưa có những giải pháp căn cơ để quản lý sử dụng vỉa hè.
Ghi nhận thực tế của PV, vỉa hè trên đường Cầu Giấy, phía trước Công viên Thủ Lệ ngày cuối tuần được tận dụng tối đa để trông giữ phương tiện. Không những vậy, khu vực ga Cầu Giấy thuộc dự án đường sắt trên cao, phương tiện cũng được để ngổn ngang, ô-tô xếp hàng dài trên vỉa hè.
Xe máy, ô-tô chen chúc nhau để trên vỉa hè, chiếm hết lối đi của người đi bộ. Hệ quả là cả tuyến đường dài dày đặc phương tiện tạo nên hình ảnh lộn xộn, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Anh Tuấn (trú tại huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) cho biết, cuối tuần nên cũng muốn đưa vợ và 2 con đi vườn thú chơi. Anh khá bất ngờ và cảm thấy không an toàn trước khung cảnh lộn xộn, xe cộ để tràn lan trên vỉa hè chiếm hết lối đi; trong khi con trẻ rất hiếu động nếu cứ đi dưới lòng đường thì rất nguy hiểm.
Trên các tuyến đường, phố của Thủ đô không khó để bắt gặp tình trạng hàng hóa, xe cộ, bàn ghế, biển hiệu lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khiến người dân, du khách đi bộ không được đi trên lối đi vốn dành cho mình mà phải liều đi dưới lòng đường.
Bác Minh (trú tại quận Hai Bà Trưng) cảm thấy khó hiểu khi người đi bộ không được hưởng trọn vẹn tiện ích từ không gian công cộng, vỉa hè không dành cho người đi bộ mà phục vụ trông giữ phương tiện, kinh doanh buôn bán phục vụ lợi ích của cá nhân.
“Năm nào cũng thấy đường phố được cải tạo, lát đá vỉa hè độ bền 70 năm nhưng cứ để xe máy, ô-tô tràn lan như thế thì sớm muộn cũng hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng mà thôi” - bác Minh bức xúc.
Còn với chị Linh (trú tại quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, hai vợ chồng chị tích góp sắm một chiếc ô-tô cách đây 3 năm để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Sau nhiều năm trải nghiệm hệ thống giao thông Thủ đô, chị thừa nhận dành dụm tiền mua xe đã khó, mua rồi, tìm chỗ đỗ cũng gian nan không kém.
Quán ăn, bệnh viện hoặc bất cứ chỗ nào ở Hà Nội này mà tìm được chỗ đỗ xe rất khó mà không có chỗ đỗ xe quy chuẩn. Những tuyến đường rất rộng thì lấy lòng đường để làm chỗ đỗ xe. Các bãi đỗ xe ở khu chung cư thì không đáp ứng được.
Bản thân gia đình cũng ở chung cư nhưng hiện cũng thấy để có một chỗ đỗ xe cũng khá khó khăn. Một gia đình có 2 xe ô-tô là không thể đáp ứng được. Còn đâu là phải đi gửi ngoài, những bãi rửa xe họ tự nhận trông xe chứ không phải của ai cấp phép cả..., chị Linh cho biết thêm.
Sớm xóa điểm đỗ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Tại đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đang là thực trạng nhức nhối và chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Dù đã có những đợt ra quân nhằm lập lại trật tự nhưng ngay sau đó việc lấn chiếm vẫn tái diễn; thậm chí một số nơi phát triển mạnh hơn, nghiêm trọng hơn trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng khi so lợi nhuận từ việc đầu tư một bãi đỗ xe nghiêm chỉnh với việc thuê được một khu đất với giá rẻ mạt, thậm chí không thuê sẽ có sự khác biệt rất lớn.
Một số nơi sau bao năm hoạt động mới phát hiện đó không phải bãi đỗ xe được cấp phép mà do ai đó đã mua một lọ sơn kẻ, tập vé tự in làm. Thậm chí chẳng cần vé mà người đỗ xe vẫn phải đưa tiền. Lợi ích lớn đã chảy về túi cá nhân, ngân sách thất thu và tình trạng mất trật tự đô thị vẫn tồn tại.
Thực tế trên nhiều tuyến phố của Thủ đô suốt một thời gian dài người dân phải tận dụng mọi chỗ để đỗ xe. Từ những bãi đỗ xe được cấp phép đến những bãi đỗ xe trái phép, tự phát, thậm chí cả vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường cũng được tận dụng làm điểm trông giữ phương tiện.
Những bãi đỗ xe tạm đang khiến lòng đường bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện. Điều này không chỉ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông mà còn khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.
Dù Hà Nội đã có chủ trương phát triển giao thông với các bến xe, bãi đỗ xe và dành ra phần diện tích rất lớn. Tuy vậy nhiều mảnh “đất vàng” đáng lý làm bãi đỗ xe, phục vụ lợi ích cộng đồng thì giờ biến thành nhà cao tầng và chưa ai phải chịu trách nhiệm về việc này.
Trao đổi với PV, một chuyên gia giao thông đô thị nhận định, ngoài phát triển các dự án bãi đỗ xe để xóa điểm đỗ xe tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì khi xem xét mạng lưới quy hoạch cần phát triển mạng lưới vận tải công cộng và khuyến khích người dân sử dụng.
Khi ấy, người đi phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân thì nhu cầu đỗ xe sẽ giảm còn cứ chạy theo nhu cầu thì không bao giờ làm được. Một nước phát triển thể hiện ở mạng lưới giao thông công cộng phát triển.
Lý giải về thực tế nhiều chiến dịch dẹp loạn vỉa hè sớm về con số 0, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, các đô thị nhanh thất bại bởi nguồn lợi từ hoạt động kinh tế trên vỉa hè lớn, tiền chảy vào túi các tổ chức, cá nhân riêng lẻ.
Đặc biệt, các đợt kiểm tra, giám sát chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Đuổi chỗ này thì họ sang chỗ khác bán. Không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của nhóm bán hàng, người đi bộ, mà còn khiến cơ quan chức năng tốn nhiều công sức.
Muốn dẹp được nạn xâm lấn vỉa hè phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới, thực hiện kiên trì, liên tục chứ không phải ra quân vài đợt rồi bỏ. Cơ quan chức năng cũng cần tính toán các phương án dựng chợ, lập các địa điểm buôn bán, trông giữ xe phù hợp thay vì chỉ biết đuổi.