1. Trang chủ /
  2. Khó nhận diện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Khó nhận diện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

thứ hai, 19/9/2022 09:38 GMT+07
Thực tế cho thấy, hiện nay, quấy rối tình dục (QRTD) đang là một trong những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội, báo chí, truyền thông đặc biệt quan tâm. QRTD có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là tại nơi làm việc. Tình trạng QRTD tại nơi làm việc không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của người lao động mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng việc nhận diện QRTD tại nơi làm việc là điều không dễ dàng.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, QRTD, “tấn công tình dục”… được quy định rõ ràng trong các điều luật, giúp việc nhận diện, phân biệt các hành vi trên một cách dễ dàng. Tại Việt Nam, khái niệm QRTD nói chung và QRTD tại nơi làm việc nói riêng vẫn còn khó nhận diện và chưa được nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập.

Nhằm góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức chương trình tập huấn báo chí về chủ đề phòng, chống QRTD tại nơi làm việc. Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho biết, trước năm 2019, Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc được ban hành ở Việt Nam vẫn còn sơ sài. Phải đến năm 2019, BLLĐ và Nghị định 145 mới đưa ra nhiều quy định bổ sung và làm rõ thêm về nội dung QRTD tại nơi làm việc.

Theo ông Bình, BLLĐ năm 2019 đã đưa ra những quy định rất quan trọng về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc. Do đó, cần xây dựng bộ quy tắc mới để đáp ứng những điều bổ sung, cho sát với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, nhằm cập nhật một số quy định mới để thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều cam kết thương mại quốc tế trong thời gian tới. Việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử mới về phòng chống QRTD tại nơi làm việc là rất cần thiết. Bởi đây chính là căn cứ để các doanh nghiệp xây dựng nội quy ứng xử cho phù hợp với văn hóa công ty của mình.

Được biết, trong các văn bản pháp luật đã ban hành không có quy định cụ thể về hành vi, vi phạm QRTD nơi làm việc. Tuỳ theo từng doanh nghiệp, môi trường làm việc mà một số hành vi QRTD ở nơi này lại không đúng ở nơi khác. Ông Bình cho biết một số hành vi tại nơi làm việc như: nháy mắt liên tục, nhìn gợi tình… đã từng được đưa vào trong bộ quy tắc ban hành năm 2015 nhưng chưa thể cấu thành hành vi QRTD mà cần các yếu tố khác như bên bị quấy rối phản ứng, không đồng thuận. Những quy tắc mới phù hợp thực tế hơn sẽ được điều chỉnh trong bộ quy tắc ứng xử mới. Qua đó có thể thấy việc nhận diện QRTD tại nơi làm việc là điều không dễ dàng.

Theo Tiến sĩ Đoàn Xuân Trường, giảng viên Đại học Luật Hà Nội đã đưa ra cách nhận diện hành vi QRTD dựa trên các điều khoản trong Nghị định 145 của Chính phủ cũng như việc phân tích đúng các khái niệm. Trong đó việc nhận diện hành vi QRTD tại nơi làm việc cần có ba yếu tố: Xác định hành vi có tính chất tình dục, ngụ ý tình dục; dấu hiệu thể hiện sự quấy rối và xác định hành vi QRTD có tại nơi làm việc hay không. Ông Trường cũng cho rằng các vụ QRTD tại nơi làm việc diễn ra khá nhiều, nhưng khó mang ra xét xử do nhiều vụ không có chứng cứ pháp lý rõ ràng.

Trong phần phát biểu của mình, ông Hazelton Philip - Giám đốc dự án NIRF, Văn phòng ILO tại Hà Nội cho biết, việc xoá bỏ bạo lực cũng như vấn đề QRTD tại nơi làm việc là một trong những ưu tiên của ILO, vì QRTD tại nơi làm việc là mối nguy hại, tạo ra môi trường làm việc không an toàn và là hành vi vi phạm quyền con người. Theo ông Hazelton Philip, Bộ quy tắc ứng xử do Bộ LĐ-TB&XH cùng với hai đối tác xã hội xây dựng, không những phản ánh cam kết của Chính phủ mà còn phản ánh được những tiêu chuẩn của ILO về việc đảm bảo tiêu chuẩn lao động quốc tế. Thông qua đó, thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc nâng cao nhận thức và hành động của tất cả các bên liên quan đến việc xử lý vấn đề này. Theo khuyến nghị của ILO, Bộ quy tắc ứng xử mới về phòng chống QRTD tại nơi làm việc cần được đưa vào áp dụng trên thực tế càng sớm càng tốt.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 262 ra ngày 19/9/2022)