Khoảng trống việc làm cho người khuyết tật
Thiếu kênh thông tin
Chia sẻ về hành trình đi tìm việc làm, anh N.Q.L (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể: 1 năm qua anh mang hồ sơ gõ cửa khắp nơi nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Thậm chí có nơi, khi vừa đến cổng đã bị bảo vệ đuổi vì là NKT. May mắn đầu tháng 4 anh L. được người quen cho biết thông tin Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức sàn giao dịch dành cho NKT. Thông qua sàn giao dịch anh L. đã có được công việc, tuy xa với nơi ở nhưng có việc đã là may mắn lắm rồi.
Câu chuyện của anh N.Q.L không phải là cá biệt mà là tình cảnh chung hiện nay của nhiều NKT. Nói về những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm của người khuyết tật, nhất là trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19, bà Đào Thu Hương - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động ngày càng đặt ra những yêu cầu cao về năng lực cũng như chất lượng của người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số. Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động đã là một thách thức, thì với lao động là NKT càng khó khăn hơn. Nhất là hiện nay, đa phần lao động NKT là lao động thủ công, không có trình độ thì việc bị loại trừ ra khỏi thị trường lao động là điều dễ nhận thấy.
“Việt Nam có nhiều luật, chính sách văn bản dưới luật quy định về những ưu tiên mà NKT được hưởng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và việc làm. Tuy nhiên, từng cá nhân NKT lại chưa nhận thức rõ về những chính sách ưu đãi đó. Chúng ta vẫn chưa có một kênh thông tin có hệ thống và đáng tin cậy để NKT tìm thấy cơ hội đào tạo nghề và cơ hội việc làm dành cho mình" - bà Hương chia sẻ.
Thay đổi nhận thức
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, rào cản đối với NKT là thiếu thông tin, rất nhiều NKT còn chưa tiếp cận được những thông tin về chính sách ưu đãi mà họ được hưởng. Hiện vẫn chưa có một kênh thông tin có hệ thống và đáng tin cậy để NKT tìm đến, từ đó nắm được cơ hội đào tạo nghề và việc làm dành cho NKT.
Ông Thành cho biết, để tạo cầu nối cho NKT tìm việc làm, trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức hai phiên giao dịch việc làm dành riêng cho NKT. Trước đó Trung tâm đã phối hợp với Hội NKT Hà Nội và hội NKT các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT. Thông qua phiên giao dịch việc làm đã có hơn 1.000 chỉ tiêu việc làm dành cho NKT. Điều này cho thấy các phiên giao dịch việc làm không chỉ cung cấp thông tin thị trường, học nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho lao động là NKT có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp mà còn là dịp các doanh nghiệp, đơn vị tham gia tuyển dụng tìm được nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, ông Thành cũng cho rằng hiện nay việc tạo “cầu nối” thông qua những phiên giao dịch việc làm dành cho NKT không dễ bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu tuyển lao động là NKT do còn e dè. Chính vì vậy để nâng cao tỷ lệ NKT có việc làm, cùng với việc sửa đổi, bổ sung chính sách việc làm cho phù hợp đối với NKT trong tình hình mới, các chủ sử dụng lao động cần thay đổi nhận thức về khả năng làm việc của NKT.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách tạo điều kiện để NKT tìm được việc làm tại chỗ, hỗ trợ sinh kế, tư vấn giới thiệu việc làm, bao tiêu sản phẩm do NKT tạo ra. Qua đó tạo điều kiện cho NKT có môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn.