Khơi thông vốn cho 2 cao tốc dọc biên giới phía Bắc
Cao tốc “cụt” đã hơn 2 năm
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư. Đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị dài khoảng 43km chưa thực hiện được do nhà đầu tư chưa thu xếp được vốn. Do đó, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong hơn 2 năm qua trở thành cao tốc… “cụt”.
Cụ thể, xe từ Hà Nội, Bắc Giang đi Lạng Sơn trên cao tốc này đến đoạn Chi Lăng phải vòng vào Quốc lộ 1A để đi tiếp đến TP Lạng Sơn cũng như đi cửa khẩu Hữu Nghị, tốn nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Bởi vậy, hơn 2 năm nay, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được đánh giá là chưa phát huy đầy đủ hiệu quả kinh tế - xã hội.
Trao đổi với PLVN, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị) - cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Ban cùng các nhà đầu tư luôn chủ động làm việc với một số ngân hàng để tìm nguồn vốn thực hiện dự án. Ban đầu dự án được phê duyệt đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, sau đó do một số vướng mắc, dự án được điều chỉnh đầu tư theo hình thức PPP. Do đó, các thủ tục điều chỉnh mất nhiều thời gian do cần được Chính phủ và một số bộ phê duyệt.
Liên quan vấn đề vốn thực hiện dự án theo hình thức PPP, đại diện Ban này cho biết, tổng vốn đầu tư dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị khoảng 6.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước trong dự án PPP là 3.300 tỷ đồng (vốn trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn địa phương 800 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư 3.348 tỷ đồng.
“Chúng tôi rất nóng ruột về dự án này vì đã hơn 2 năm trôi qua nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai tiếp” - đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Theo đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, đến nay dự án Chi Lăng – Hữu Nghị đã hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5km/43,6km (đạt 20%). Nhà đầu tư đã huy động được vốn chủ sở hữu với số tiền 424 tỷ đồng; giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng 149,7 tỷ đồng, chi phí tư vấn 54,6 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác 37,2 tỷ đồng.
Ngân hàng cam kết tài trợ vốn
Trong khi đó, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (nối tiếp cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị) cũng đang được UBND tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án (2021-2025) có tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.229 tỷ đồng và vốn huy động khác là 5.372 tỷ đồng.
Mới đây, tại cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, những vướng mắc về vốn của hai dự án Chi Lăng – Hữu Nghị và Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã được khơi thông.
Theo ông Ánh, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp tìm giải pháp huy động vốn triển khai hai dự án trên. Cuộc họp này có sự tham dự lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng cùng một số ngân hàng.
Tại cuộc họp, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) đã cam kết tài trợ vốn cho Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh 4.366 tỷ đồng, còn Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cam kết thu xếp tài trợ hơn 3.000 tỷ đồng cho Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cam kết góp vốn cùng xây cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Cụ thể, ngoài Tập đoàn Đèo Cả còn có sự đồng hành của Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty Đầu tư Văn Phú - Invest. Tại cuộc họp mới đây, các nhà đầu tư đều thể hiện quyết tâm và cam kết đồng hành với địa phương và Tập đoàn Đèo Cả xây dựng dự án này.