Không áp dụng 'phong sát' nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử
Sáng ngày 5/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức họp báo thường kỳ để cung cấp một số thông tin liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông.
Liên quan đến vấn đề xử lý nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, các biện pháp "phong sát", cấm sóng nghệ sĩ không thể áp dụng tại Việt Nam.
"Chúng tôi chưa bao giờ nói là "phong sát" nghệ sĩ hay cấm sóng nghệ sĩ. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch dùng từ "hạn chế hình ảnh" của những nghệ sĩ đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên báo chí, đài phát thanh truyền hình và trong các hoạt động biểu diễn trên sân khấu", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Nêu lý do không áp dụng lệnh "phong sát", cấm sóng nghệ sĩ, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nêu rõ, theo quy định của pháp luật, để cấm bất kỳ hoạt động nào của công dân thì phải đưa vào luật, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
"Chúng ta đang sử dụng quy định mềm là vận động các cơ quan báo chí, các cơ quan tổ chức sự kiện cùng nhà nước chung tay làm sạch môi trường hoạt động nghệ thuật, biểu diễn… bằng cách không cổ vũ, không khuyến khích, không mời những nghệ sĩ có đạo đức lệch chuẩn theo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đề ra", Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT nói.
Theo ông Lê Quang Tự Do, hiện quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng và sử dụng hình ảnh… do Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xây dựng đang được xin ý kiến của các cơ quan, ban ngành để chỉnh sửa hoàn thiện.
Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh quy trình xử lý này sẽ do Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ban hành bởi đây là cơ quan quản lý trực tiếp nghệ sĩ.
“Phong sát” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành giải trí Hoa ngữ, có nghĩa là là lệnh cấm vận, không cho phép một người nổi tiếng tiếp tục tham gia hoạt động nghệ thuật, hoặc xuất hiện trước công chúng do có hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật. Các phương tiện truyền thông không được phát sóng chương trình, ấn phẩm và cả tin tức liên quan đến người bị “phong sát” và phải gỡ bỏ các sản phẩm đã phát.