Không còn “cửa” chây ỳ đóng bảo hiểm
105 doanh nghiệp nợ hơn 35,4 tỷ đồng
Tại lễ công bố quyết định thanh tra liên ngành tới 105 doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Trưởng Phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo 4, Thanh tra Thành phố Hà Nội, Tổ trưởng Tổ thanh tra số 1 cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 3/3/2022 của UBND Thành phố về khắc phục hạn chế, khuyết điểm về số nợ BHXH trên địa bàn Thành phố tăng cao, UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng liên ngành Thành phố thanh tra việc chậm đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT tại 105 đơn vị, doanh nghiệp. Theo đó, ngày 14/9/2022, Thanh tra Thành phố có Quyết định số 3550/TTTP(P4) thành lập đoàn thanh tra liên ngành theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Đơn vị nợ đọng BHXH ký nhận Quyết định thanh tra từ Thanh tra Thành phố. Ảnh: B.D
Đoàn Thanh tra liên ngành gồm đại diện các đơn vị của Thành phố, gồm: Thanh tra, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH và Công an sẽ chia thành 3 đoàn, thanh tra về việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT trong việc thu, trích nộp BHXH, BHYT; xác định rõ số tiền chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục của đơn vị trong việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT.
Về thời gian thanh tra, Đoàn sẽ tiến hành thanh tra từ thời điểm 1/1/2021 cho đến thời điểm thanh tra. Theo ông Tuân, trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác chấp hành nộp đầy đủ số tiền chậm đóng, tiền nợ đọng BHXH, BHYT thì Đoàn thanh tra tiếp nhận hồ sơ và báo cáo Trưởng đoàn Thanh tra, để báo cáo người ra quyết định Đoàn thanh tra xem xét, dừng thanh tra tại đơn vị đó.
Theo báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội, 105 đơn vị có tên trong đợt thanh tra liên ngành dịp này hiện nợ số tiền 35,4 tỷ đồng của 998 lao động với thời gian nợ đọng 12 tháng. Theo ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội: Việc doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Cụ thể, nhiều lao động không được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ chế độ; hay như năm 2021, do đơn vị nợ tiền BHXH nên nhiều NLĐ đã không được hưởng tiền hỗ trợ (từ 1,8-3,3 triệu đồng) từ Quỹ BHTN.
Quyền lợi người lao động phải đặt lên hàng đầu
Chia sẻ với phóng viên tại lễ công bố quyết định thanh tra, ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, liên ngành (gồm: BHXH, Thanh tra, Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) đã tích cực vào cuộc, đôn đốc các đơn vị, tránh để nợ đọng BHXH kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay, số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn Thành phố hiện là hơn 1.800 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng số thu.
Theo ông Thuật, với những đơn vị trên, cơ quan BHXH đã nhiều lần đôn đốc thu hồi nợ qua văn bản, làm việc trực tiếp, tuy nhiên vẫn chưa khắc phục triệt để. Qua nhiều lần đôn đốc, số tiền các đơn vị đã khắc phục được là 6,7 tỷ đồng (từ 1/7 đến 20/9), trong đó đã có 9 đơn vị đã khắc phục xong, 38 đơn vị khắc phục được một phần nợ, còn lại chưa khắc phục. Trước tình hình này, liên ngành quyết định trong tháng 9/2022 sẽ tiến hành thanh tra liên ngành tại 105 đơn vị.
Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, mục tiêu cao nhất của đợt thanh tra này là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Ảnh: B.D
Phân tích những hệ lụy của việc nợ đọng BHXH tới quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, ông Vũ Đức Thuật cho biết: Trong Kế hoạch thanh tra, có một điểm rất nhân văn, đó là nếu đơn vị khắc phục số nợ trước thời điểm đoàn đến làm việc, đoàn sẽ xem xét dừng thanh tra tại đơn vị. Do đó, Phó Giám đốc BHXH Thành phố mong muốn, sau khi nhận quyết định thanh tra hôm nay, các doanh nghiệp, đơn vị có kế hoạch khắc phục nợ sớm nhất, trước khi đoàn đến đơn vị làm việc.
“Mục tiêu của chúng tôi khi tiến hành thanh tra không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Chỉ khi thu được tiền nợ đọng, cơ quan BHXH mới có căn cứ để giải quyết, chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, cũng như dài hạn, khám chữa bệnh… cho NLĐ. Do đó, rất mong các đơn vị khắc phục số tiền nợ đọng để đảm bảo quyền lợi của NLĐ và tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Thuật chia sẻ.
Doanh nghiệp sẽ sớm khắc phục
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay khi Thanh tra Thành phố công bố quyết định thanh tra, nhiều doanh nghiệp, đơn vị có tên trong danh sách thanh tra đã có những động thái tích cực, cam kết sẽ sớm khắc phục tiền nợ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Được điểm danh trong số 105 đơn vị có quyết định thanh tra liên ngành đợt này, bà Trần Thị Hạ - Giám đốc Công ty cổ phần địa chính và phát triển đô thị Hà Nội cho biết: Hiện, doanh nghiệp còn nợ số tiền hơn 130 triệu đồng, với thời gian nợ trên 12 tháng của NLĐ. Lý giải nguyên nhân để nợ đọng tiền BHXH kéo dài, bà Hạ cho biết: “Nguồn thu của Công ty tôi phụ thuộc vào 100% vốn ngân sách Nhà nước. Vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều dự án đã hoàn thành, song việc thu hồi công nợ còn chậm trễ, kéo theo việc chậm tiến độ thanh toán các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Sau buổi công bố quyết định thanh tra hôm nay, chúng tôi sẽ về bàn trong Ban Giám đốc để đẩy nhanh tiến độ thu hồi công nợ, trước mắt là nộp hết số tiền nợ đọng, sau đó sẽ khắc phục đóng dần từng tháng, không để nợ đọng diễn ra, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, vừa ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
“Là lãnh đạo doanh nghiệp, chúng tôi luôn mong muốn đảm bảo quyền lợi cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật lao động, BHXH, BHYT, tuy nhiên, vì ảnh hưởng của dịch bệnh và việc thu hồi công nợ các dự án bị chậm tiến độ nằm ngoài mong muốn của chúng tôi. Rất may thời gian vừa qua, doanh nghiệp không có NLĐ nào trong diện phải giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, nhưng nếu có NLĐ trong diện phải giải quyết chế độ, Công ty chúng tôi sẽ chấp nhận chi trả một phần phát sinh”, bà Hạ cho biết thêm.
Cũng nằm trong diện thanh tra đợt này, nhưng ngay khi nhận được quyết định thanh tra, ngày 19/9 vừa qua, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế khảo sát và đo đạc Việt Phát đã khắc phục toàn bộ số tiền nợ đọng. Chia sẻ về việc để nợ đọng tiền BHXH kéo dài tại đơn vị, bà Nguyễn Thị Xuân - Kế toán trưởng Công ty cho biết: Công ty chúng tôi nợ đóng của 6 nhân viên từ tháng 1/2021 đến nay, với số tiền 150 triệu đồng. Lý do chính là năm 2021, ảnh hưởng từ Covid-19 khiến công ty bị giảm doanh thu dẫn đến nợ đọng BHXH.
“Nhận thức của cá nhân tôi, cũng như công ty đó là việc tham gia đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ là trách nhiệm của doanh nghiệp. Khó khăn là việc không mong muốn. Vì vậy, khi nhận được quyết định liên ngành sẽ tiến hành thanh tra, công ty đã cố gắng khắc phục bằng cách đóng kịp thời toàn bộ số nợ BHXH, BHYT, BHTN, hoàn thành nghĩa vụ cho NLĐ đến hết 30/9/2022”, bà Xuân thông tin./.
Bảo Duy