Không để đăng kiểm phương tiện trở thành nỗi ám ảnh
Hiện hữu nguy cơ ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm
Từ ngày 22/3, Thông tư 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ sẽ miễn kiểm định và được cấp tem, giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Đối với ô-tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng. Thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.
Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc trong hoạt động đăng kiểm. Tuy nhiên thực tế vẫn hết sức căng thẳng.
Thống kê của Cục Đăng kiểm, tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng lên tới 2,5 triệu xe. Nhưng năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động chỉ khoảng 550.000 xe/tháng.
Như vậy các trung tâm đăng kiểm cần 6 tháng để giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng phương tiện cao hơn nên thời gian sẽ phải kéo dài thêm.
Trao đổi với PV, anh Quang Minh (trú tại quận Cầu Giấy) chia sẻ, ô-tô 5 chỗ của gia đình đã hết hạn đăng kiểm cách đây vài ngày nhưng vẫn chưa được kiểm định. Xe sản xuất trên 15 năm nên theo quy định cứ 3 tháng phải kiểm định.
Cách đây hơn 1 tuần, anh Minh có vào app đặt lịch nhưng trung tâm nào ở Hà Nội cũng báo hết lịch đặt đến giữa tháng 5, thậm chí có nơi nhận lịch đến đầu tháng 6. Không có thời gian đưa xe ra các tỉnh lân cận nên anh đành chọn trạm có lịch hẹn gần nhất là gần cuối tháng 5.
Những ngày qua, ông Bằng không khỏi đau đầu khi nhiều xe ô-tô kinh doanh vận tải của đơn vị hết hạn kiểm định nhưng không thể lấy phiếu hẹn tại các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội bởi đến trung tâm nào cũng phải chờ ít là vài tuần không thì cả tháng.
Để kịp kiểm định cho xe, giảm thiểu mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách, đơn vị phải cử tài xế đưa ô-tô đến các trung tâm đăng kiểm ở những tỉnh, thành phố khác để đăng kiểm, khi thì ở Phú Thọ, lúc lại ở Hưng Yên.
Trước đây mỗi xe đi đăng kiểm khoảng 2 giờ, nay có xe phải xếp “lốt” cả tuần, rồi cử người đi kiểm định mất cả tuần, thậm chí cả chục ngày nhưng vẫn chưa đăng kiểm được. Việc di chuyển đến nhiều địa phương nhưng vẫn rất khó đăng kiểm và kéo dài thời như vậy gây rất nhiều lãng phí cho doanh nghiệp..., ông Bằng nói.
Anh Nguyễn Vũ Hải (Công ty CP Vận tải biển Container Thái Bình Dương) cho biết, đăng kiểm đã quá hạn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Một số các đơn hàng đã ký nhưng vì xe không thể hoạt động được sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng đã ký kết với đối tác.
Cần có giải pháp xử lý triệt để
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Thông tư 02 đã cho phép miễn kiểm định lần đầu đối với xe ô-tô chưa qua sử dụng và cho phép giãn chu kỳ kiểm định đối với xe ô-tô đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải. Khoảng gần 4 triệu xe thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định.
Tuy nhiên việc giãn chu kỳ kiểm định chỉ được thực hiện từ chu kỳ tiếp theo nên hiện nay nhu cầu kiểm định vẫn rất lớn, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm vẫn diễn ra.
Để tháo gỡ ách tắc trong công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam (VATA) kiến nghị cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe ô-tô không kinh doanh vận tải từ 9 chỗ ngồi trở xuống ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại.
Chủ tịch VATA tin rằng, đề xuất sớm được triển khai sẽ giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc trong hoạt động đăng kiểm. Vì trên cả nước đang có 3,1 triệu xe thuộc diện giãn chu kỳ kiểm định. Lượng xe chiếm tới 35 - 40% tổng số xe phải đi kiểm định. Đồng thời các trung tâm đăng kiểm nên bố trí nhân viên tiếp nhận hồ sơ riêng thay vì đi chung với các xe đến kiểm định theo dây chuyền.
Tại Hội nghị tổng kết công tác quý I/2023 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, một trong những kết quả tích cực trong những tháng đầu chính là Bộ GTVT đã kịp thời ban hành Thông tư 02/2023 sửa đổi Thông tư 16/2021 về kiểm định xe cơ giới, cơ bản giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm, đạt được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
“Nghị định 139 được sửa đổi sẽ góp phần xử lý triệt để các tồn tại của đăng kiểm”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, việc nghiên cứu sửa đổi tập trung theo hướng mở rộng hoạt động đăng kiểm. Cơ chế quản lý có cái siết để việc phát triển trung tâm đăng kiểm không rơi vào tình trạng “thả nổi” nhưng phải có cái “mở” phù hợp để đảm bảo sự cân bằng cung - cầu.
“Mạng lưới trung tâm đăng kiểm cũng cần tập trung vào các thành phố lớn, có nhu cầu cao như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng. Quá trình thực hiện, trung tâm nào vi phạm sẽ yêu cầu đóng cửa ngay”, Bộ trưởng nói.
Trong cuộc làm việc mới đây về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng tình với đề nghị áp dụng cơ chế tự động gia hạn đăng kiểm các phương tiện đủ tiêu chuẩn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xây dựng ứng dụng hoặc tích hợp vào cổng dịch vụ công của Bộ để chủ xe đủ tiêu chuẩn giãn, hoãn đăng kiểm.