Không để thuốc lá điện tử xâm nhập học đường
Với mục tiêu xây dựng trường học không khói thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã hỗ trợ nhiều tỉnh, thành phố nhằm xây dựng trường học không khói thuốc lá để từ đó công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá học sinh từ 13 - 15 tuổi tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc trong nhóm tuổi này đã giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Trong nhóm tuổi từ 13 - 17 giảm từ 5,36% (năm 2013) xuống còn 2,78% (năm 2019).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực về thuốc lá, các nghiên cứu cũng chỉ ra thực trạng đáng báo động khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở giới trẻ. Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh sử dụng loại thuốc lá điện tử tăng đến 18 lần sau 5 năm. Cụ thể, năm 2019, có khoảng 2,6% học sinh 15 - 17 tuổi hút thuốc lá điện tử nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 3,5% và ngày càng trẻ hóa. Đây là tỷ lệ đáng lo ngại cho thấy rõ thực trạng thuốc lá điện tử đang “tấn công” học đường rất mạnh mẽ.
Dạo qua một số trường THCS, THPT, không khó để thấy hình ảnh các học sinh cả nam và nữ cầm những ống hút thuốc lá điện tử nhiều màu sắc ngang nhiên hút ở hàng nước, trước cổng trường hay thậm chí trong lớp học. Đây là tình trạng đáng báo động bởi không biết từ bao giờ nhiều học sinh coi thuốc lá điện tử như “vật bất ly thân” không thể rời tay.
Có một ngộ nhận rất nguy hiểm hiện nay của học sinh là thuốc lá thế hệ mới không gây hại. Theo các chuyên gia, trong thuốc lá điện tử cũng chứa nicotine như thuốc lá truyền thống. Đây là một chất gây nghiện khiến người hút ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá. Ngoài ra, dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử, chưa nói đến ma túy, đã chứa 60 dạng hóa chất chưa đốt cháy, ở dạng khói có khoảng hơn 50 hóa chất. Trong đó, có rất nhiều loại hóa chất và có thể gây tổn hại các cơ quan khác nhau, làm tăng khả năng mắc ung thư.
Ở lứa tuổi học sinh, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây ra tác hại đối với sức khỏe khi hút thuốc lá điện tử sẽ nhiều hơn so với người trưởng thành. Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 12 tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, co giật, chóng mặt, run tay chân sau khi hút thuốc lá điện tử tự mua trên mạng. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, chủ yếu là giới trẻ. Các trường hợp thường thấy như bệnh nhân có tổn thương đa cơ quan nặng nề, suy tim, não có tổn thương, tổn thương gan, thận, tình trạng rất nặng, dù trước đó, bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh.
Nhận thấy tình trạng đáng báo động, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt thuốc lá thế hệ mới trong học sinh, sinh viên. Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục, tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp về tác hại thuốc lá và thuốc lá điện tử cho các cơ sở giáo dục.
Để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, tới toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới phía ngoài cổng các trường học theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục…