Khu công nghiệp “hút” vốn ngoại
Đón dòng vốn mới
Thị trường bất động sản công nghiệp còn chứng kiến sự quan tâm liên tục từ các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và năng lượng, như một số tên tuổi lớn Apple, Quanta, Samsung và LG với những khoản đầu tư vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD trong thời gian tới.
CBRE Việt Nam nhận định mặc dù sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện đã giảm bớt phần lớn, các công ty vẫn đang tìm cách đa dạng hóa rủi ro bằng cách tìm thêm nguồn cung ứng và địa điểm sản xuất.
Goertek - một trong những đối tác lớn nhất của Apple - đã ký kết biên bản ghi nhớ thuê lại 62,7 ha tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh). Một đối tác sản xuất linh kiện lớn khác của “trái táo khuyết” là Foxconn cũng ký hợp đồng thuê khu đất 45 ha tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với giá 62,5 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất. Hợp đồng thuê kéo dài đến tháng 2/2057.
Tương tự, Samsung có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Tập đoàn Hàn Quốc này còn dự định sản xuất các sản phẩm công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam.
Mới đây, công ty chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ Amkor Technology cho biết sẽ sớm mở một nhà máy ở khu vực phía Bắc. Pegatron - công ty sản xuất linh kiện cho hãng xe điện Tesla và lắp ráp iPhone của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đưa nhà máy ở Quảng Ninh đi vào hoạt động.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, điều này giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn trong lĩnh vực điện tử từ Nhật Bản. Theo JETRO, các doanh nghiệp tích cực đầu tư sản xuất thiết bị tiên tiến và các mảng khác tại Việt Nam một phần nhờ trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản để dịch chuyển khỏi Trung Quốc cũng như đa dạng hóa sản xuất trên khắp khu vực Đông Nam Á.
Khảo sát gần đây JETRO thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, mục tiêu mở rộng hàng đầu trong khu vực ASEAN là Việt Nam, nơi đã có các hãng sản xuất điện tử lớn như Sharp và Murata, cả hai đều là nhà cung cấp của Apple.
Không chỉ ASEAN, hiệu ứng tích cực từ việc thu hút dòng vốn ngoại đã lan truyền sang cả trời Âu. Nhật báo Tribune de Gèneve của Thụy Sĩ đánh giá, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của các công ty nước ngoài. Theo nhật báo này, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất châu Á trong năm 2022 sau thời gian đóng cửa vì đại dịch Covid-19, các khu công nghiệp lớn liên tục được xây dựng để đón các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiên tiến trên thế giới.
Tribune de Gèneve bình luận, Việt Nam có được sức hút trên nhờ nhiều yếu tố như môi trường đầu tư ổn định, 15 hiệp định thương mại tự do, bao gồm một hiệp định được ký kết vào năm 2020 với Liên minh Châu Âu (EU), giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp với giá thành phải chăng.
Lợi thế cạnh tranh về giá
Savills Việt Nam dự báo nhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục cao trong năm nay, trong đó, điểm đáng chú ý là xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), logistics (kho bãi hậu cần), data centers (trung tâm dữ liệu),...
Bình luận về tiềm năng trong lĩnh vực này của Việt Nam, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills, khẳng định thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển TP.HCM, CBRE Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Chính quyền địa phương các tỉnh, thành đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc để bàn thảo các hoạt động hợp tác vì lợi ích của cả hai bên.
Nhận định về triển vọng trong hai năm tới, bà Thanh chia sẻ, giá thuê đất khu vực phía Nam dự kiến tăng 7-10%/năm đối với các thị trường cấp 1 và 5-7%/năm đối với khu vực cấp 2. Trong khi đó, nguồn cung nhà xưởng và nhà kho mới được xây dựng sẵn phong phú sẽ gây áp lực lên giá thuê.
Giá thuê trung bình của các nhà xưởng, nhà kho xây sẵn hiện đã ở mức cao nhất và dự kiến sẽ đi ngang trong giai đoạn 2023-2024.
Theo các chuyên gia, so với một số nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử cũng chọn Việt Nam là điểm đến.
Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của ANREV, bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ 2 (sau bất động sản nhà ở), với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023.
Ông Đinh Thanh Phương, Giám đốc Phát triển kinh doanh KCN Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, mảng cho thuê xưởng (RBF) tiếp tục khả quan nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, cùng với việc nước này đã mở cửa giao thương trở lại sau dịch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể tự do đi lại và khảo sát các địa điểm tiềm năng cho việc mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, mảng dịch vụ kho bãi cũng tích cực hơn trước nhu cầu mở rộng quy mô của các đơn vị kinh doanh logistics.
Ông Phương cũng thông tin, để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới đang hình thành sau dịch, cũng như sẵn sàng cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, trong năm 2023, KCN Vietnam sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp hiện hữu như Hố Nai, Phú An Thạnh, Deep C... Ngoài ra, KCN Vietnam còn phát triển thêm các dự án khu công nghiệp ở các khu vực trọng điểm như Thuận Thành - Bắc Ninh, Tân Hưng - Bắc Giang, An Phát - Hải Dương…
“Hiện tại, KCN Vietnam đang tập trung xây dựng và phát triển các thị trường nói trên, cùng với đó là đánh giá, nghiên cứu thêm các cơ hội M&A ở các thị trường mới”, ông Phương nói, đồng thời cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, trong đó đầu tư công được đẩy mạnh và giữ vai trò là động lực tăng trưởng, nhất là với các thị trường mới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện tại, dù đang đối mặt với những khó khăn từ cả bối cảnh trong nước lẫn thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu tại khu vực APAC (châu Á - Thái Bình Dương). Trong đó, thị trường khu công nghiệp đang được hỗ trợ nhiều từ Chính phủ thông qua việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông và các chính sách thu hút đầu tư.