Khu du lịch Tam Chúc: Chốn bồng lai tiên cảnh giữa đời thực
Chốn bồng lai tiên cảnh giữa đời thực
Khu Du lịch Sinh thái Văn hoá Tâm linh Tam Chúc (KDL Tam Chúc) nằm ở vị trí đặc biệt, là điểm kết nối giữa KDL Chùa Hương (Hà Nội) với Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình), Khu Văn hóa Tâm linh Núi chùa Bái Đính, KDL Sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động (thuộc Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình). Tất cả góp phần tạo thành quần thể các KDL tâm linh, sinh thái ngập nước, nối liền giữa 3 tỉnh thành. Toàn KDL Tam Chúc có tổng diện tích 5100 ha (trong đó diện tích vùng lõi là 4000 ha) thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách TP Phủ Lý 12 km, cách thủ đô Hà Nội hơn 60 km.
Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét thanh tú tuyệt mỹ được kiến tạo nên từ sự sắp đặt của tạo hóa và công sức tôn tạo của con người. Nơi đây được nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi địa thế “bối sơn hướng thuỷ” (lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ). Nổi bật trên nền thiên nhiên nguyên sơ là những công trình kiến trúc tâm linh, với quy mô đồ sộ nhưng lại vô cùng tinh tế, khoáng đạt.
Ngôi chùa được thi công bởi rất nhiều người thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, mang đậm dấu ấn của kiến trúc chùa cổ Bắc bộ Việt Nam. Quần thể chùa Tam Chúc là kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là sự phối hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo.
Năm 2000, khi khảo sát làm thủy lợi lòng hồ Tam Chúc, công nhân xây dựng đã phát hiện ra rất nhiều dấu tích các hiện vật liên quan đến chùa Tam Chúc xưa. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận rằng chùa Tam Chúc đã có niên đại trên 1000 năm.
Ngôi chùa Tam Chúc được xây dựng lại có tới 12.000 bức tranh được những người Hồi giáo Indonesia chạm khắc tinh xảo bằng đá núi lửa ở Indonesia. Những bức tranh gửi gắm biết bao câu chuyện nhân văn, tái hiện cuộc đời Đức Phật, ẩn chứa vẻ đẹp Chân - Thiện - Mỹ. 4 bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. 4 bức tường lớn tại điện Quan Âm cũng có 8.500 bức tranh đá kể những câu chuyện về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát.
Tam Chúc còn ấn tượng với các bức tượng Phật. Điện Tam Thế thờ 3 tượng Phật Tổ bằng đồng dát đồng đen, mỗi bức nặng hơn 200 tấn, phía sau là 3 lá bồ đề dát vàng rộng. Điện Pháp Chủ thờ tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Còn Điện Quan Âm thờ tượng đồng Quan Âm Bồ Tát nguyên khối nặng 100 tấn.
Điều đặc biệt ấn tượng là chùa Tam Chúc đang thiết lập vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 14 m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Đây sẽ là vườn kinh lớn nhất thế giới với hàng ngàn bài kinh kệ đặc sắc…
Vươn mình trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia
Với vị trí, vai trò và thế mạnh về tài nguyên du lịch, Tam Chúc đã được các cấp chính quyền quan tâm định hướng để phát triển thành KDL quốc gia. Cụ thể: Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, Tam Chúc là 1 trong 9 KDL của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc. Là 1 trong 47 KDL của cả nước có tiềm năng phát triển trở thành KDL quốc gia.
Trong Nghị quyết số 07 ngày 30-6-2016 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2016-2025 đã đề ra những quan điểm, mục tiêu quan trọng để phát triển du lịch của Hà Nam như: Phấn đấu đến 2025 có trên 5 triệu lượt khách/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân 35-40%/năm.
Đặc biệt, trong Quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018 cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, KDL Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của KDL quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, KDL Tam Chúc trở thành KDL quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao. Chưa đừng lại đó, KDL Tam Chúc kỳ vọng đưa quần thể này thành di sản thế giới.
Đảm bảo du dịch an toàn trong trạng thái bình thường mới
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Truyền thông Dịch vụ Du lịch Tam Chúc cho biết: “KDL Tam Chúc đã sử dụng thời gian đóng cửa phòng, chống dịch COVID-19 theo quyết định của tỉnh Hà Nam từ 29/4 đến nay để thực hiện duy tu, sửa chữa và chỉnh trang cảnh quan khu du lịch, sẵn sàng đón khách khi được cho phép…”.
Mặt khác, trong thời gian du lịch “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty vẫn thực hiện hỗ trợ khoản tiền bằng 50% lương cho 100% công nhân ở những bộ phận phục vụ khách phải tạm nghỉ việc trong thời gian KDL dừng đón khách hoặc điều chuyển làm việc ở bộ phận khác phù hợp với năng lực, tay nghề của họ. Đây là cách giữ chân, san sẻ khó khăn với người lao động trong thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng chia sẻ về kế hoạch đón khách trong thời gian tới: “Ban quản lí KDL Tam Chúc sẽ có những loại hình du lịch mới để giữ chân du khách lâu hơn, ví dụ dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, Tam Chúc về đêm. Tuy nhiên, đặt vấn đề an toàn cho du khách lên hàng đầu nên chúng tôi sẽ có các phương án, biện pháp, các kế hoạch ứng phó theo từng cấp độ dịch khác nhau, đảm bảo du dịch an toàn trong trạng thái bình thường mới”.