Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Kỳ 2: Lựa chọn cán bộ 'đúng vai, thuộc bài'
Nhiệm vụ “then chốt của then chốt”
Các cơ quan nội chính là những cơ quan tham mưu, thực thi bảo vệ pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước. Vì vậy, chọn những người làm công việc liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân, đến công tác thực thi quyền lực… đòi hỏi phải “đúng vai thuộc bài”.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh yêu cầu, không được để lọt vào Trung ương những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, chỉ hơn nửa nhiệm kỳ khóa XIII đã có nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương bị xử lý hình sự. Ngay cả cấp dưới cũng có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó phần nhiều là có chức, có quyền. Thực tế đó khiến người ta suy nghĩ về việc lựa chọn cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu vấn đề. Ông cũng đồng thời đề nghị, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải làm thật nghiêm. Chọn những người làm công việc ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhân dân, đến công tác thực thi quyền lực… đòi hỏi phải rất chặt chẽ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực đối với cán bộ trong các cơ quan được mệnh danh là “lá chắn thép” của Đảng, phải ưu tiên công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ này. “Phải chọn lựa cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người đứng đầu những cơ quan này, ngoài “hồng” và “chuyên” còn phải gương mẫu, đầu tàu, thường xuyên kiểm tra, giám sát” - Đại biểu Hòa nói.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 9/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần lưu ý phải thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác nội chính, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao; chú trọng kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngay trong các cơ quan này. Công tác cán bộ phải được coi là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”.
“Các cơ quan nội chính có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, lĩnh vực hoạt động rất trọng yếu, liên quan hầu hết và trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, chúng ta phải luôn luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải “đúng vai thuộc bài”, thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định, đặc biệt là phải rất công tâm, khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho mình” - Tổng Bí thư nêu rõ.
Xây dựng nền công vụ liêm chính, văn minh
Cùng với công tác lựa chọn cán bộ, việc giáo dục đức tính liêm khiết, chính trực cho cán bộ, đảng viên thông qua các quy chuẩn, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng được coi là giải pháp quan trọng để hạn chế tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hoá.
Trên thế giới, rất nhiều nước đã ban hành Luật về đạo đức của công chức, như Hàn Quốc, Malaysia, Thụy Điển… Đối với Singapore, nước này đã ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn của Chính phủ đối với công chức; đồng thời giáo dục công chức “tự răn mình”, coi đây là biện pháp hữu hiệu để các công chức luôn hết mình vì việc chung, tránh xa cạm bẫy của quyền lực. Còn Hoa Kỳ ban hành các nguyên tắc đạo đức ứng xử của cán bộ và nhân viên nhà nước, đồng thời có văn phòng quản lý về đạo đức công vụ…
Tại Việt Nam, hầu như Bộ, ngành nào cũng có những quy định, quy chế nội bộ; nhất là các cơ quan nội chính càng phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình. Từ người cán bộ thanh tra, công an, kiểm sát viên đến thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND)… đều thấm nhuần đạo đức công vụ, văn hóa liêm chính. Ai cũng nhận thức vấn đề một cách đầy đủ, sâu sắc rằng nếu vi phạm các quy định này sẽ đối diện với nguy cơ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Đơn cử như Quyết định 120/QĐ-TANDTC của TAND tối cao ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND đã liệt kê khá cụ thể, chi tiết các hình thức xử lý trách nhiệm của thẩm phán. Từ việc “kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị”; “tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao”, đến xử lý trách nhiệm bằng hình thức “không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán”. Thậm chí, phát biểu trước phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023), Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhắc tới giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho thẩm phán, cán bộ tòa án thông qua Bộ quy tắc đạo đức thẩm phán của cơ quan này.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hòa Bình, Quyết định số 120/QĐ-TANDTC đã có những quy định rất nghiêm khắc. Ví dụ, Quốc hội cho phép hệ thống tòa án được hủy sửa án tỷ lệ 1,5%, nhưng Quyết định 120 chỉ cho 1,16% - thấp hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép. Nếu ai vượt quá tỷ lệ này sẽ không được tái bổ nhiệm… Quy định nghiêm là vậy, nhưng từ năm 2021 đến nay, đã có hơn 100 cán bộ, công chức ngành Tòa án bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả xử lý hình sự về hành vi tham nhũng, tiêu cực - một con số khiến dư luận không khỏi lo lắng.
“Tuyên truyền, giáo dục là hết sức cần thiết, nhưng nếu chỉ dựa vào tuyên truyền thì không giải quyết được vấn đề. Cùng với tuyên truyền, giáo dục là giám sát quyền lực, là đời sống của cán bộ... Ngoài ra, chúng ta phải làm từ gốc, phải đưa môn học/giáo trình về phòng, chống tham nhũng vào các trường phổ thông, trung học, cao đẳng, đại học và tất cả các trường chính trị ở mọi cấp. Trong tất cả các lớp bồi dưỡng cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh; các lớp bồi dưỡng cấp hàm thứ trưởng, bộ trưởng phải có bài học về phòng, chống tham nhũng. Khâu phòng ngừa vô cùng quan trọng, bắt đầu từ suy nghĩ của thiếu niên, đến thanh niên; như vậy một bộ trưởng ít nhất cũng được 10 lần nghe về nội dung này” - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an phân tích.
Bên cạnh công tác lựa chọn cán bộ, công tác giáo dục, tuyên truyền…, nhiều ý kiến đề nghị đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, không còn uy tín đối với nhân dân. Cùng với đó, phải giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh trong hoạt động của nền công vụ bằng việc loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội.
“Cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính hơn ai hết phải rất cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống; phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh chính trực; và đặc biệt, bản thân phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan “phụng công, thủ pháp”, “chí công vô tư”; phải là những “bao công” trong thời đại mới… Phải có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ nội chính…
Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để “thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén...; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”.
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng)