Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ sai sót quản lý sử dụng nguồn lực chống dịch Covid - 19 như thế nào?
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo số 199/BC-KTNN về "Kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ".
Theo trên, tính đến 31/12/2021, tổng nguồn lực đã huy động để phòng chống dịch là hơn 376.217 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước chi hơn 130.551 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương chi 51.667 tỷ đồng (dự phòng ngân sách trung ương 31.595 tỷ đồng; nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương 5.195.tỷ đồng; kinh phí năm trước chuyển sang 14.877 tỷ đồng).
Ngân sách địa phương chi 78.883 tỷ đồng (số liệu giải ngân do Kho bạc Nhà nước cung cấp, chưa bao gồm số giải ngân theo các chính sách của địa phương do ngân sách địa phương chi trả).
Ngoài ra, Nhà nước còn xuất từ kho dự trữ nhà nước 66.557,7 tấn gạo và sử dụng ngân sách nhà nước mua gạo của các doanh nghiệp để xuất hỗ trợ cho các địa phương 75.459,6 tấn, với trên 10 triệu người.
Nguồn viện trợ nước ngoài (chủ yếu là vắc xin từ các kênh ngoại giao), đến 31/12/2021 số cam kết là 78,1 triệu liều; số đã tiếp nhận là 69 triệu liều, tương đương là 11.468 tỷ đồng.
Nguồn thực hiện các chính sách hỗ trợ hơn 140.589 tỷ đồng, gồm: Chính sách miễn giảm thuế 31.030 tỷ đồng; chính sách tín dụng 46.639 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội 36.815 tỷ đồng; giảm tiền điện 15.223 tỷ đồng; dịch vụ viễn thông 10.880 tỷ đồng.
Nguồn huy động khác là 93.608 tỷ đồng. Cụ thể, Quỹ vaccine (huy động của các tổ chức, cá nhân đóng góp) hơn 8.804 tỷ đồng. Nguồn huy động thông qua UỶ ban Mặt trận Tổ quốc 686,729 tỷ đồng (huy động bằng tiền 568,786 tỷ đồng; huy động bằng hiện vật ước tính 117,943 tỷ đồng).
Nguồn huy động từ tài chính công đoàn, xã hội hóa của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 2.564 tỷ đồng (nguồn tài chính công đoàn 2.357 tỷ, huy động bằng tiền 188,551 tỷ; nguồn hiện vật ước tính 18,4 tỷ).
Nguồn huy động từ các tổ chức khác 50.520 tỷ đồng (bằng tiền 19.862 tỷ, hiện vật ước tính 30.658 tỷ)
Nguồn huy động khác như: trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit test, thuốc, lương thực, thực phẩm… không quy đổi được thành tiền.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, nguồn lực chi cho chống dịch từ khu vực nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, tổng hợp số liệu từ 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương còn thấy một số vấn đề.
Thứ nhất, một số cơ quan thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP. Hà Nội, Bắc Ninh không thực hiện/thực hiện không đầy đủ việc huy động tiền ủng hộ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước như đã quy định mà qua tài khoản một số ngân hàng thương mại.
Thứ hai, hoạt động huy động nguồn lực và số liệu báo cáo chưa đầy đủ. Ví dụ: ngân sách trung ương chưa bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương để thực hiện nội dung đã chi trong năm 2020. Nguyên nhân do chưa có cơ chế hỗ trợ (Bộ Tài chính); chưa huy động đủ 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương theo quy định, chưa sử dụng nguồn tiết kiệm thêm cuối năm 2021 quy định tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ; chưa thực hiện thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết...
Thứ ba, có 2 tỉnh còn có sự chênh lệch giữa các số liệu báo cáo. Đó là, tỉnh Bắc Ninh số liệu báo cáo huy động từ tiếp nhận bằng hiện vật của ngành y tế còn chênh lệch so với số liệu báo cáo Sở Y tế gửi cơ quan Mặt trận Tổ Quốc tỉnh là 7.003.000.000 đồng; số tiết kiệm theo báo cáo tổng hợp nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 thấp hơn số liệu Sở Tài chính xác định theo hướng dẫn số 6299/BTC-NSNN ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính trình UBND tỉnh xem xét là 2.234.000.000 đồng (Tiền Giang).
Thông qua kiểm toán tại một số bộ, ngành, địa phương, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng, việc lập dự toán còn thiếu thuyết minh, chưa đầy đủ cơ sở; phân bổ, giao dự toán chưa phù hợp với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; giao dự toán chưa kịp thời (TP. Thái Nguyên); tổng hợp kinh phí cấp cho 7 bệnh viện dã chiến (thêm 1 tháng lương, tương ứng 15.124.000.000 đồng do mất cân đối nguồn thu) vào chung trong chính sách hỗ trợ trong chống dịch Covid-19 (Cần Thơ).