Kiệt tác về tình bạn, tình yêu và quyền lực chốn vương triều
"Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu" là bộ tiểu thuyết lịch sử gồm hai tập với mười lăm sách (chương) kể về cuộc đời danh y Sinuhe những năm 1390 - 1335 trước Công lịch, cũng là mười lăm chương kể về xã hội Ai Cập cổ đại thời bấy giờ qua hồi ức của nhân vật chính Sinuhe.
Sinuhe - người kể chuyện - là một đứa trẻ bị thả trôi sông, được vợ chồng thầy thuốc nghèo không có con mang về nuôi. Nhờ sự hướng nghiệp của cha nuôi, Sinuhe đã theo học nghề y để nối nghiệp cha chữa bệnh cho người nghèo. Với đôi tay khéo léo và tài chữa bệnh, Sinuhe trở thành một danh y nổi tiếng, đồng thời là bạn của Pharaon Ekhnaton và Tể tướng Horemheb - người sau này cũng trở thành Pharaon.
Là ngự y của triều đình, Sinuhe bị xô đẩy vào những biến động sâu sắc của xã hội Ai Cập. Sau khi mất hết tất cả vì tình yêu mù quáng, ông phải rời bỏ quê nhà cùng người đầy tớ Kaptah ranh mãnh đi đến nhiều miền đất và cuối cùng bị pharaon đày đi biệt xứ. Trong những năm tháng bị lưu đày nơi xứ người, Sinuhe đã viết lại nỗi đắng cay, oan nghiệt cũng như những hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời mình như một cách để nhìn lại, gột rửa lỗi lầm của quá khứ.
Qua ngòi bút tài hoa của Mika Toimi Waltari, "Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu" trở thành cuốn tiểu thuyết lịch sử kinh điển đậm tính triết lý, kết hợp hài hòa lịch sử huyền bí và cuộc sống đời thường của người Ai Cập cổ đại.
Với tài năng kể chuyện tuyệt vời, tác giả Mika Toimi Waltari đã biến “Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” trở thành cuốn tiểu thuyết đầy cuốn hút, chứa đựng kho tàng kiến thức về các vị thần, tín ngưỡng tôn giáo, chính trị và văn hóa của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của loài người. Từ đây, tác giả đã vẽ ra một bức tranh lớn về các vùng đất xinh đẹp ít ai biết đến như xứ Hatti rực rỡ, thành cổ Babylon, hòn đảo xinh đẹp Crete, Thebes náo nhiệt và nhiều xứ sở đặc biệt khác.
Kiệt tác “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1945 và chỉ sau một năm, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản bốn lần với tổng số bán ra hơn 70.000 bản. Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch sang 40 thứ tiếng và được phát hành rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự thành công của tác phẩm kinh điển này đã giúp tác giả Mika Toimi Waltari trở thành một trong những nhà văn Phần Lan nổi tiếng nhất thế kỷ 20.
Không chỉ xoay quanh câu chuyện tình bạn giữa Sinuhe với hai vị Pharaon Ai Cập, Quốc vương tiểu quốc Amori, "Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu" còn là những cuộc tranh giành quyền lực trong vương triều và cả chiến tranh dã man, tàn bạo giữa các vương quốc.
Sau khi lên ngôi, Pharaon Ekhnaton đã lật đổ Amon - vị thần tối cao của Ai Cập, và tôn thờ thần Mặt Trời Aton làm vị thần duy nhất của vương quốc. Tôn giáo mới của Ekhnaton đề cao hòa bình, bác ái và sự bình đẳng giữa mọi người, mọi dân tộc. Nhưng “cuộc cải cách” đó đã dẫn đến bạo loạn, khiến Ekhnaton phải dời thủ đô từ Thebes lên Akhetaton. Là ngự y của pharaon, Sinuhe tháp tùng ngài đến thủ đô mới.
Lúc đầu, Sinuhe hết sức ngưỡng mộ triết thuyết của Pharaon Ekhnaton, nhưng tôn giáo mới của Ekhenaton đã đẩy cả vương quốc Ai Cập đến bờ vực thẳm. Lúc này, những cuộc chiến do Tể tướng Horemheb chỉ huy đã phần nào khôi phục lại sự huy hoàng của vương quốc. Dù bị xem là người có xuất thân thấp hèn, nhưng thực tế, trong lịch sử Ai Cập, Horemheb được coi là một trong những pharaon vĩ đại nhất của vương quốc.
Qua ngòi bút tài hoa của tác giả, "Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu" trở thành cuốn tiểu thuyết lịch sử giàu tính triết lý, kết hợp hết sức hài hòa và hấp dẫn giữa lịch sử huyền bí và cuộc sống đời thường của người Ai Cập cổ đại.
Mặc dù tác phẩm lấy bối cảnh ở Ai Cập cổ đại nhưng những thông điệp mà nó truyền tải có giá trị trường tồn với thời gian. Khi miêu tả chiến tranh và những biến động xã hội, tình bạn và tình yêu, Mika Toimi Waltari đã thành công trong việc đúc kết những điều quan trọng nhất của con người với những câu văn đầy tính triết lý.