Kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản hỗ trợ.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của các ngành, địa phương… công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đồng thời góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để đạt được kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng có phần đóng góp không nhỏ của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của các nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế. Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức chưa nghiêm.
Yêu cầu đặt ra là cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng về các chủ trương và chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, được giao giúp Bộ Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng là cần thiết.
Hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực giúp cho Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan hữu quan có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho công tác tham mưu trong lãnh đạo chỉ đạo xây dựng chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng nói riêng.
Tại Hội thảo, ông Kono Ryuzo, cố vấn trưởng Dự án JICA pháp luật và Tư pháp cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về phòng, chống tham nhũng như: Tăng cường công tác điều tra, truy tố của cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập; Phối hợp với các cơ quan hành chính chuyên trách; Thúc đẩy tính minh bạch của các giao dịch trong khu vực công (bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước); Cấm quan chức cấp cao làm thêm, kiêm nhiệm và đảm bảo mức lương nhất định cho họ; Các biện pháp phòng ngừa sự suy giảm hoạt động của công chức (ví dụ giảm trách nhiệm cá nhân).