1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Giải pháp quản lý người nghiện ma túy ở quận Cầu Giấy

Giải pháp quản lý người nghiện ma túy ở quận Cầu Giấy

thứ tư, 26/7/2023 11:44 GMT+07
Nhiều biện pháp phù hợp thực tế đã và đang được quận Cầu Giấy (Hà Nội) triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện trên địa bàn.
Ra mắt điểm hỗ trợ, tư vấn cai nghiện cộng đồng tại phường Nghĩa Tân

Đối tượng sau cai nghiện được hưởng nhiều quyền lợi

Theo thống kê của của Công an quận Cầu Giấy, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn quận có 298 người nghiện trong danh sách quản lý. Trong đó, số người đang có mặt tại bàn là 179 người, số người đang cai nghiện tại các Trung tâm của TP là 20 người, có 16 người nghiện đang ở trong các Trại giam của Bộ Công an, 83 người nghiện vắng mặt tại địa bàn từ 6 tháng trở lên.

Lãnh đạo Phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy cho biết, nhằm quản chặt người nghiện ma túy, đơn vị đã phối hợp với Công an quận hướng dẫn công an các phường rà soát, phân loại đối tượng nghiện các dạng chất ma túy để đưa vào quản lý, giáo dục tại địa phương; Đồng thời vận động người nghiện lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp.

100% đối tượng sau cai nghiện được đưa vào danh sách quản lý của địa phương, phân công tình nguyện viên giúp đỡ quản lý và tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ B93 phòng chống tái nghiện.

Nhờ đó, từ ngày 16/12/2022 đến nay, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã vận động cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện được 28 người. 8 người chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện bắt buộc quản lý sau cai tại nơi cư trú.

Ra mắt điểm hỗ trợ, tư vấn cai nghiện cộng đồng tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy

Được biết, cùng với việc quản chặt người nghiện ma túy, từ đầu năm đến nay, quận Cầu Giấy đã duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

Cụ thể, các điểm tư vấn đã tiếp nhận 30 lượt khách hàng. Điểm tư vấn phường Mai Dịch đã gia hạn thành công thẻ BHYT cho 5 khách hàng; Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, vận động xã hội hóa tặng quà cho 3 trẻ em là con hội viên sau cai (phường Yên Hòa, Quan Hoa) với số tiền 3 triệu đồng. Đặc biệt, điểm tư vấn phường Nghĩa Tân giới thiệu cho 1 khách hàng tiếp cận với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và được giới thiệu việc làm phù hợp.

Lấy phòng ngừa là cơ bản, lấy xây để chống

Ông Nguyễn Quang Hồng - Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý sau cai nghiện luôn được chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể phường đặc biệt quan tâm thực hiện.

Quận luôn quán triệt phương châm chỉ đạo: “Lấy phòng ngừa là cơ bản”, “Lấy xây để chống”; “Vào tận ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”... gắn tuyên truyền với tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, các buổi hội thảo, toạ đàm có mời người nghiện, nghi nghiện, nghi tái nghiện, hộ gia đình có người nghiện cùng tham dự tạo khí thế trong phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy, hoạt động mại dâm.

Ra mắt điểm hỗ trợ, tư vấn cai nghiện cộng đồng tại phường Nghĩa Tân

“Đến nay, 100% người sau cai nghiện, đi cai nghiện tự nguyện về địa phương đều được phân công theo dõi, quản lý giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú đều được chính quyền địa phương hỗ trợ việc làm tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình”, ông Nguyễn Quang Hồng chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Hồng, trong thời gian tới, Phòng LĐTB&XH sẽ phối hợp UBND và Công an phường thực hiện công tác quản lý đối tượng, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện theo Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Đồng thời, vận động, lập hồ sơ vận động đối tượng đi cai nghiện tự nguyện tự nguyện tại Trung tâm theo Nghị quyết 22/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND TP...

Cùng với việc quản lý, giám sát chặt chẽ người sau cai nghiện, Phòng LĐTB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các Đội Công tác xã hội tình nguyện và Câu lạc bộ B93 nhằm hỗ trợ hội viên trong công tác phòng chống tái nghiện, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ tạo việc làm cho hội viên; Hỗ trợ các đối tượng tiếp cận nguồn vốn quỹ quốc gia gải quyết việc làm, giới thiệu học nghề, tổ chức điểm tạo việc làm cho hội viên sau cai.