1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Chính sách nhân văn và ý nghĩa

Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Chính sách nhân văn và ý nghĩa

thứ tư, 26/7/2023 21:58 GMT+07
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật ưu đãi đã được ban hành. Trong số đó chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được Chính phủ đặc biệt quan tâm, triển khai tích cực, rộng khắp trên cả nước. Đối tượng hưởng chính sách về nhà ở được mở rộng, các chế độ ưu đãi cũng từng bước được hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo đối với người có công.
Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho gia đình, người có công với cách mạng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm (ảnh: Văn Đảm).

Hơn 330.000 ngôi nhà tình nghĩa

Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa thông qua chính sách hỗ trợ về nhà ở được Chính phủ tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả.

Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg (Quyết định 22) hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, chính sách nhằm mục tiêu hỗ trợ cho khoảng 393.000 hộ gia đình người có công với cách mạng đang ở nhà bị hư hỏng nặng cần phải phá dỡ để xây mới hoặc đang ở nhà tạm phải sửa chữa.

Sau đó, ngay trong tháng 7/2013, hai Thông tư hướng dẫn về chính sách quan trọng này đã được Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính khẩn trương, ban hành kịp thời để địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện, triển khai theo Quyết định 22 (Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 và Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24/7/2013).

Hầu hết các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và xã, Trưởng ban sẽ do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND cùng cấp đảm nhiệm, các thành viên là đại diện lãnh đạo các ngành: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Hội Cựu chiến binh...

Sở Xây dựng được giao là cơ quan thường trực của tỉnh để triển khai thực hiện chính sách, thiết kế một số mẫu nhà ở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để các hộ gia đình tham khảo, lựa chọn.

Theo số liệu tổng hợp, tính từ đầu chương trình đến thời điểm kết thúc thực hiện chính sách ngày 31/12/2019, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 339.176 hộ đạt tỷ lệ 96,7% so với số liệu thực tế.

Trong đó có 329.841 hộ (gồm 157.668 hộ xây mới, 172.173 hộ sửa chữa) được hỗ trợ bằng ngân sách Trung ương. Và có 4.276 hộ được hỗ trợ bằng các nguồn kinh phí khác. Đáng chú ý có 5.059 hộ ngoài Đề án đã thẩm tra nhưng cũng được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Trung ương.

Quá trình triển khai chính sách, một số địa phương có điều kiện hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động thêm sự tham gia của cộng đồng, các nguồn vốn hợp pháp khác nên đạt kết quả hỗ trợ rất tốt (đạt tỷ lệ trên 98%).

Mức hỗ trợ cho trường hợp xây mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; cho trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở là 20 triệu đồng/hộ. Với Đề án hỗ trợ đã được thẩm tra như trên thì ngân sách Trung ương cần cấp khoảng 10.654 tỷ đồng.

Theo thống kê thì các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải ngân khoảng 8.873,24 tỷ đồng/10.654 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83,29% số kinh phí ngân sách Trung ương đã cấp. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 98% như: Yên Bái, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, thành phố Đà Nẵng...

Với kết quả trên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đánh giá cao sự tích cực, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng”

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá sau khi hoàn thành hỗ trợ chính sách, nhà ở của các hộ gia đình người có công đều cơ bản đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn 3 cứng là "nền cứng, khung tường cứng, mái cứng", đạt chất lượng và diện tích quy định.

Nhà ở chính sách có diện tích tối thiểu 30m2 được sử dụng từ các vật liệu xây dựng tốt, bền (như gạch, đá, xi măng, sắt thép, gỗ bền chắc, ngói, tôn...). Với vật liệu này nhà ở có tuổi thọ trên 10 năm, đảm bảo vệ sinh môi trường, khang trang, kín đáo, tránh được tác động xấu của thời tiết.

Đáng chú ý tại một số địa phương như Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Vĩnh Long đã huy động, kết hợp được nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình người có công với cách mạng nên nhà ở sau khi được hỗ trợ từ 2 tầng có diện tích từ 50m2 đến 100m2, lớn hơn nhiều mức diện tích tối thiểu.

Ngoài ra, đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực thường xuyên bị ngập lụt có mức ngập cao từ 1,5m được chính quyền địa phương gặp gỡ, tư vấn xác định cụ thể hạng mục công trình cần sửa chữa; vận động để các hộ gia đình xây dựng một diện tích sàn tránh lũ tối thiểu 10m2 và có độ cao vượt mức ngập thường xuyên, đảm bảo chất lượng “3 cứng” về nhà ở chống được chống bão, lũ, cải thiện điều kiện sinh hoạt của gia đình.

Có thể thấy rằng, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách an sinh xã hội quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân đồng thuận, hoan nghênh và tích cực hưởng ứng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, chính sách đã có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực cùng tham gia vào công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người có công, tạo niềm tin sâu sắc vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa của cả hệ thống chính trị.

Từ khi có Quyết định 22, việc hỗ trợ các hộ gia đình có công với cách mạng về nhà ở tại nhiều địa phương đã được kết hợp, lồng ghép với nhiều hình thức khác. Có thể kể đến việc hỗ trợ về ngày công của cộng đồng dân cư, hỗ trợ kinh phí từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp, sự giúp đỡ từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Và quan trọng từ việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết đã góp phần giảm số lượng hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở. Hiệu quả của chính sách thể hiện qua chất lượng sống của người có công với cách mạng dần ổn định hơn, đã và đang từng bước được cải thiện.

Hoàn thiện chính sách nhân văn


Trong quá trình tổng kết chính sách, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một số bất cập cần phải giải quyết như: Về số liệu rà soát, thống kê người có công cần được hỗ trợ về nhà ở liên tục biến động, theo hướng bổ sung, tăng dần từng năm. Hay việc cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương bị chậm, dàn trải làm nhiều đợt dẫn đến việc triển khai bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Mặt khác, một số địa phương thực hiện quy trình rà soát, kiểm tra, xác định đối tượng và hiện trạng về nhà ở còn thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chính xác...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng để triển khai, thực hiện chính sách đảm bảo thành công, trước tiên cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị, của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng như các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư trong việc hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ hộ gia đình người có công về nhà ở.

Khi xây dựng cơ chế, chính sách cũng cần phải dựa trên số liệu chính xác, khách quan, kịp thời; việc đánh giá tác động và dự báo nguồn lực thực hiện chính sách phải đảm bảo tính khả thi.

Năm 2022, chính quyền thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trao tặng ngôi nhà tình nghĩa mới cho người có công với cách mạng (ảnh: Thanh Hùng).
Năm 2022, chính quyền thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trao tặng ngôi nhà tình nghĩa mới cho người có công với cách mạng (ảnh: Thanh Hùng).

Bên cạnh đó, để chính sách thực sự hiệu quả thì cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để người có công hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách. Việc bình xét, lựa chọn phải từ cộng đồng dân cư, tạo sự công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao để việc hỗ trợ đến đúng và trúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí.

Trên thực tế, quá trình triển khai chính sách nhân văn này cũng đòi hỏi sự năng động, sáng tạo chọn ra những cách làm hay, phù hợp, hiệu quả để tập hợp được các lực lượng tham gia, sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực hỗ trợ.

Thời gian tới đây, chính sách về nhà ở cho người có công sẽ tiếp tục đổi mới, kết hợp toàn diện nhiều nguồn lực. Phát huy vai trò quan trọng của địa phương trong việc thực hiện chính sách theo tinh thần “phù hợp với khả năng của Nhà nước và địa phương”. Đặc biệt đẩy mạnh nguồn lực xã hội cùng chung tay thực hiện có hiệu quả chính sách nhân văn này.

Trong không khí cả nước kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2023), cùng nhìn lại chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công để thấy rằng đây là một phần quan trọng trong chủ trương chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhớ và biết ơn những người có công với cách mạng.

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021) quy định rõ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng: Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở.